Ðiều hành hợp lý giá bán lẻ xăng dầu, giảm ngay cước vận tải

08:05, 23/01/2015

Chiều tối 22-1, tại Trụ sở Bộ Công thương, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổ công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô (Tổ công tác) đã họp để thảo luận về những tác động của giá dầu thế giới giảm đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và đưa ra các kiến nghị, giải pháp với Chính phủ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô (KTVM) trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ trưởng Công thương, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Ðiện lực Việt Nam (EVN) và Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thảo luận các kịch bản giá dầu thế giới giảm đối với thu ngân sách nhà nước (NSNN), tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam. Các thành viên Tổ công tác đã đưa ra các kịch bản về giá dầu và tác động của việc giảm giá dầu thô đối với nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ được Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ vào cuối tháng này.

 

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế vĩ mô trong tháng 1-2015 tiếp tục tiến triển khả quan, tích cực. Tuy nhiên, nổi lên vấn đề giá dầu thế giới giảm và diễn biến khó lường tác động nền kinh tế Việt Nam. Ðiều này đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành KTVM phải bám sát tình hình, đưa các kịch bản và giải pháp tổng thể, bảo đảm diễn biến và việc giá dầu thô giảm thấp không tác động các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2015. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục kiên định các mục tiêu đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%, lạm phát khoảng 5% NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp diễn biến lạm phát, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm cân đối NSNN và không điều chỉnh tổng thu, tổng chi NSNN năm 2015. Thủ tướng cho rằng theo các phương án và tính toán mà Tổ công tác đưa ra thì mức hụt thu NSNN không đáng lo ngại như dự báo trước đây, kể cả kịch bản giá dầu thế giới xuống mức 40 USD/thùng.

 

Thủ tướng yêu cầu điều hành hợp lý giá xăng dầu bán lẻ trong nước trên cơ sở so sánh với mặt bằng giá bán lẻ các nước trong khu vực nhằm chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới; bảo đảm lợi ích của đất nước, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về giá cước vận tải, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan họp bàn, đưa ra giải pháp và chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

 

Về khai thác dầu thô, Thủ tướng yêu cầu PVN phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch được giao. Tuy nhiên, PVN cần bám sát tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới để khai thác trên nguyên tắc không để lỗ và hạch toán cụ thể đến từng mỏ.

 

Về giá điện, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh giá điện theo thị trường. Tuy nhiên, các bộ liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào sau Tết Nguyên đán Ất Mùi. Bên cạnh đó, EVN rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động. Thủ tướng yêu cầu, ngay trong năm 2015, EVN phải tạo được chuyển biến, có con số cụ thể và công bố công khai việc giảm chi phí giá thành sản xuất điện.

Chưa tăng giá điện từ nay đến Tết Nguyên đán

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trước mắt từ nay đến Tết chưa bàn việc tăng giá điện mặc dù tăng giá điện là cần thiết khi lạm phát đang giảm, giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án tăng giá như thế nào, thời điểm nào thì Chính phủ sẽ quyết định sau trên cơ sở cân nhắc, làm rõ các yếu tố cấu thành, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác quan tâm một số vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp để Chính phủ xem xét trong chỉ đạo, điều hành. Cụ thể là những tác động kinh tế khi Việt Nam tham gia đầy đủ các Hiệp định Thương mại Tự do và hội nhập hoàn toàn vào Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; những tác động đối với thị trường phân phối, bán lẻ khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu; nợ công và việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công.

 

Giá dầu thế giới giảm tác động hai chiều kinh tế Việt Nam

 

Tối 22-1, sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí về các tác động khi giá dầu thế giới giảm. Theo Bộ trưởng, thời điểm này, giá dầu thế giới giảm mạnh, thật sự khó lường. Tổ công tác đưa ra ba kịch bản dựa trên các phân tích đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế, các chuyên gia: giá dầu năm 2015 khoảng 60USD/thùng, 50USD/thùng, 40USD/thùng. Nếu ở mức 60USD/thùng thì sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giảm nhưng giảm không đáng kể, chúng ta xem xét một số lô có giá thành cao hơn giá bán thì điều tiết giảm sản lượng. Nếu ở mức 50USD/thùng, chúng ta phải giảm sản lượng nhiều hơn. Nếu 40USD/thùng thì chúng ta phải giảm 1,8 đến hai triệu tấn dầu khai thác. Năm nay, Bộ Công thương phải khai thác, sản xuất theo kế hoạch 14,4 triệu tấn dầu thô.

 

Nếu giá dầu ở mức bình quân 60USD/thùng thì tăng trưởng giảm so dự kiến 0,21%. Nếu sản lượng khai thác giảm xuống còn 14,4 triệu tấn dầu thô thì tăng trưởng giảm khoảng 0,56%. Nếu chỉ khai thác, sản xuất và xuất khẩu 13,08 triệu tấn, là kịch bản thấp nhất, thì tăng trưởng giảm thêm 1%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi Việt Nam là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu mỏ, thậm chí nhập khẩu sản phẩm xăng dầu còn lớn hơn xuất khẩu. Nếu tiếp tục giảm giá xăng dầu trong nước xuống thật thấp thì gây ra bất lợi lớn cho nền kinh tế, có thể lợi đầu vào cho sản xuất nhưng quản lý xăng dầu có vấn đề. Tổ công tác kiến nghị cần cân nhắc xem xét giá xăng dầu các nước trong khu vực để quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bên cạnh. Trường hợp giảm được cả giá xăng dầu, cước vận tải thì tác động rất tốt đến kinh tế đất nước. Theo tính toán, nếu giá dầu giảm theo kịch bản 1 thì sẽ làm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,27% thông qua giá đầu vào giảm; nếu ở mức 50USD/thùng thì tăng thêm 0,31%, nếu 40USD/thùng thì tăng 0,43%.

 

Giá dầu thế giới cứ giảm 1USD/thùng, NSNN thất thu 1.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu ở mức 60USD/thùng, NSNN chỉ hụt 7.500 tỷ; nếu ở mức 50USD/thùng thì hụt thu 9.500 tỷ; nếu 40USD/thùng thì hụt thu 11.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho rằng phương án 50USD/thùng là không hụt vì thu nội địa nhiều hơn, ảnh hưởng NSNN không lớn, nhưng điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, giảm đồng bộ cước vận tải, bù lại hụt thu giá dầu, có thể hòa. Cái được lớn nhất là nền kinh tế chúng ta ít phụ thuộc dầu mỏ hơn.