Theo thống kê, 11 tháng năm 2014, xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,2 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, ước xuất khẩu cả năm 2014 đạt trên 7,9 tỉ USD (tăng 18%). Được biết kế hoạch xuất khẩu năm 2014 là 7 tỉ USD
Xuất khẩu (XK) các mặt hàng thủy hải sản đều tăng trưởng khá cao (trừ mặt hàng cá ngừ giảm 9%, cá tra tăng 0,6%), trong đó XK tôm tăng mạnh đến 28% (chiếm tỉ trọng lớn nhất 57,3%). XK tôm 11 tháng năm 2014 đạt gần 3,7 tỉ USD, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 58,5%, đạt 2,1 tỉ USD (tăng 54%), tôm sú chiếm 35% tăng 5%. XK tôm cả năm đạt trên 3,9 tỉ USD. XK tôm sang các thị trường chính tăng mạnh như Mỹ tăng 28%, EU 66%, Nhật Bản 7%, Trung Quốc 8%.
XK cá tra 11 tháng đạt 1,6 tỉ USD (tăng 0,6%), chiếm 22% tổng giá trị XK (ước XK cả năm đạt 1,77 tỉ USD). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, XK cá tra phục hồi từ tháng 6-2014, sau đó tăng dần trong quý III và IV vào các thị trường ASEAN tăng 11%, Mexico tăng 22%, Trung Quốc tăng 21%, trong khi XK sang 2 thị trường lớn là EU giảm 12,3%, Mỹ giảm 11,5%.
XK mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác như cua ghẹ, surimi, cá biển đều tăng nhờ vào Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng lĩnh vực khai thác và tạo thuận lợi về chính sách tín dụng cho ngư dân đóng tàu cá, chính sách bảo hiểm, ưu đãi thuế. Theo đó, XK mực, bạch tuộc 11 tháng năm 2014 đạt 437 triệu USD, tăng 8,5%, ước cả năm đạt 483 triệu USD, tăng 7,7%. XK các mặt hàng này tại các thị trường chính đều tăng khá cao như Hàn Quốc tăng 27%, EU tăng 10%, Mỹ tăng 120%.
Xuất khẩu cá tra trong năm 2014 đạt 1,77 tỉ USD
XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ 11 tháng năm 2014 đạt 75 triệu USD, tăng 13% (ước cả năm đạt 81,5 triệu USD, tăng 12,8%). Được biết, 2 quý đầu năm 2014 có nhiều tháng XK các mặt hàng này giảm mạnh từ 15%-22% nhưng đến quý III, giá trị XK tăng mạnh từ 29%-65%. XK cua ghẹ trong năm 2014 khoảng 134 triệu USD, tăng 21%. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam chiếm gần 88,7%.
Trong năm qua, XK thủy hải sản sang 166 thị trường, trong đó Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất chiếm 22% giá trị XK thủy sản, 28% tôm, 20,5% cá tra, 35,5% cá ngừ. Cả năm 2014, thị trường này đạt 1,75 tỉ USD, tăng 15%. Kế đến là thị trường EU, chiếm 18 giá trị XK thủy sản, 17% XK tôm, 20% XK cá tra, 28% XK cá ngừ, 17% XK mực, bạch tuộc của Việt Nam (cả năm 2014 thị trường này đạt 1,4 tỉ USD, tăng 21%). Thị trường Nhật Bản đứng thứ ba, chiếm 15,5% tỉ trọng XK thủy sản của Việt Nam, 18% tôm, 23% mực, bạch tuộc, 12% surimi (cả năm 2014 thị trường này đạt 1,2 tỉ USD, tăng 6,3%).
Sở dĩ XK thủy sản của Việt Nam có mức tăng trưởng trên là nhờ các doanh nghiệp trong nước gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để gia công và chế biến XK. Được biết 11 tháng năm 2014, các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 97 thị trường trên thế giới với giá trị 953 triệu USD. Trong đó mặt hàng tôm nguyên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất, gần 45,4% với trên 433 triệu USD; cá ngừ 167 triệu USD (chiếm gần 12,4%), cá biển 276 triệu USD (33,9%). Được biết Ấn Độ là nguồn cung ứng lớn nhất, chủ yếu là các sản phẩm tôm, cá ngừ với tổng giá trị 321 triệu USD, chiếm 34%. Việt Nam là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nguồn cung lớn thứ hai là Đài Loan với lượng cá ngừ vằn lên đến 67 triệu USD, chiếm 7%. Kế đến là Na Uy với 58 triệu USD, chiếm 6%.
Nhập khẩu thủy sản nguyên liệu của Việt Nam cả năm 2014 khoảng 1 tỉ USD, tăng 44% so với năm 2013. Dự kiến nhập khẩu thủy sản nguyên liệu trong năm 2015 sẽ lên 1,2 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2014. Do các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tôm, cá ngừ, cá biển để bảo đảm nguyên liệu cho chế biến XK. Trong đó tôm nhập khẩu khoảng 450 triệu USD, cá ngừ 215 USD, cá biển các loại 350 triệu USD.
Thuế chống bán phá giá POR10 của DOC (Mỹ) công bố gần đây vẫn tiếp tục chọn Indonesia làm nước tham chiếu để tính toán biên độ thuế cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Vấn đề này gây bất hợp lý, bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vì điều kiện, quy mô sản xuất và chi phí đầu vào của Indonesia hoàn toàn không tương đương với Việt Nam. Chưa hết, mặt hàng cá tra còn cạnh tranh với nguồn cung cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá rô phi.