Đổi thay trên xã đảo Bản Sen

15:29, 24/02/2015

Xã đảo Bản Sen (trên đảo Trà Bản), huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 4 năm qua, nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng với chỉ đạo đúng hướng, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 9,17% (29 hộ).

Theo đó, thu nhập bình quân là 14 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2010). Đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

 

Đến với Bản Sen những ngày đầu xuân mới cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng I hải quân đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây, chúng tôi thấy cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi so với những gì mình tìm hiểu được trên báo chí trước đây. Con đường từ đầu đến cuối xã được rải nhựa, đường liên thôn cũng được bê tông thay thế con đường đất. Vừa đi, chúng tôi vừa nhìn ngắm những ngôi nhà mới xây vững chãi, khang trang hai bên đường. Trước mỗi nhà, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, dưới vườn, đào rực rỡ chào Xuân. Nếu không nghe ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen kể lại, chắc chúng tôi không tưởng tượng được chỉ 10 năm trước, xã Bản Sen được ví như một ốc đảo tách biệt với bên ngoài, đường đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 75%.

 

Với mong muốn đổi thay vùng đất khó, cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm thay đổi tỉ lệ 75% hộ nghèo thành 75% hộ khá, giàu. “Chuyện lúc ấy có vẻ khó tin nhưng không phải không có cơ sở. Cấp ủy, chính quyền đã nhận định xã có thế mạnh là trồng lúa, trồng rừng, trồng cây ăn quả và nuôi thuỷ hải sản là tu hài và hàu biển. Đảng ủy đã ra nghị quyết phát triển kinh tế, giao nhiệm vụ cho từng chi bộ chỉ đạo tập trung việc hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân, định hướng bà con phát triển trồng cây ăn quả, kết hợp trồng rừng, nuôi thủy hải sản theo từng vùng phù hợp. Đến bây giờ, kết quả đã chứng minh định hướng đó là đúng. Xã đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới – đồng chí Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Bản Sen thông tin.

 

Xã Bản Sen có 6 thôn, trong đó có 3 thôn chuyên về trồng lúa, chăn nuôi, 3 thôn còn lại chủ yếu trồng rừng, cam, chè và nuôi thủy, hải sản. Tính đến nay, toàn xã có khoảng 200 hộ nuôi hàu, tu hài... cho giá trị kinh tế cao từ 2-4 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Về trồng rừng và cây ăn quả, xã đã có diện tích rừng trồng là trên 4.400ha; vùng cam Sen quy hoạch 170ha, cho hiệu quả kinh tế cao. Cam Sen khác biệt với nhiều loại cam ở chỗ quả nhỏ nhưng vỏ mỏng, múi căng, ngọt đằm. Từ cây cam, nhiều hộ dân đã có kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu. Bởi vậy, xã xác định mỗi năm sẽ tăng diện tích từ 10-20 ha, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 150ha cam theo quy hoạch.

 

Để minh chứng những gì mình nói, ông Phạm Tuấn Vinh cử cán bộ xã dẫn chúng tôi đến thực tế tại thôn Nà Na, một trong các thôn mà người dân có kinh tế khá từ việc trồng cây cam Sen. Ngay gần trung tâm thôn Nà Na, chúng tôi gặp ông Kiều Văn Tân đang chăm sóc vườn cam. Trong vườn cây đến hơn 1.000 gốc, từng cành sai lúc lỉu, ông Tân hân hoan hy vọng năm nay cam vẫn được giá 70-80 nghìn đồng/kg, cho gia đình thu nhập ổn định như những năm trước. Gia đình ông Tân cùng một số hộ đã sống và nếm trải được cái đói, cái nghèo ở mảnh đất này đã mấy đời. Ông tâm sự: “Người dân trên đảo ban đầu chủ yếu sống nhờ vào nghề đi biển, nuôi thuỷ hải sản nhưng thiên tai xảy ra liên miên khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng cam, chè, trồng rừng, cuộc sống của người dân dần dần khá lên. Nói đâu xa, như gia đình tôi, nhờ cây cam Sen, mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng.

 

Cũng như gia đình ông Tân, nhiều hộ dân khác ở thôn Nà Na và bản Sen đã dần thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá từ rừng keo, vườn cam. Không ít hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa các trang thiết bị hiện đại.

 

Cùng với thôn Nà Na, thôn Đông Lĩnh là điểm sáng của xã Bản Sen về việc phát triển các mô hình kinh tế. Chỉ trong vòng 3, 4 năm gần đây, 50% số hộ của thôn đã xây được nhà kiên cố nhờ phát triển trồng rừng và đánh bắt hải sản. Ông Vũ Văn, năm nay 70 tuổi, người dân trong thôn phấn khởi nói: “Trước nhà cửa xộc xệch, cứ tới mùa mưa bão lại lo đổ, nay hầu hết các hộ gia đình đều làm được nhà xây kiên cố, vững chãi, tôi mừng lắm. Bây giờ trồng cái gì, nuôi con gì ra đều có xe máy, xe tải đến thu mua tận nơi, muốn ăn gì cũng có. Đối với đất đảo này thế quá là sung sướng.

 

Cuộc sống ổn định, kinh tế khá giả nên người dân trong xã đều hăng hái đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen thống kê sơ bộ: 4 năm nay, 316 hộ dân, trên 1.172 nhân khẩu trong 6 thôn đã hiến hàng nghìn m2 đất nhà, ruộng, vườn tạp; hàng nghìn ngày công lao động cùng các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn như Đồn Biên phòng Quan Lạn, Trạm ra đa 485 để xây dựng đường bê tông và các công trình hạ tầng. Như các nhà báo thấy, Trường PTCS (gồm cả Trung học và Tiểu học), Trường Mầm non Bản Sen và Trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND, Trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng khang trang trong mấy năm nay.

 

Cuối tháng 12-2014, niềm mơ ước bao năm qua của người dân đã thành hiện thực khi Bản Sen chính thức được sử dụng điện lưới Quốc qua. Người dân Bản Sen vui đến độ có thôn bà con tổ chức ăn mừng cả tháng. Nhiều hộ dân đã sắm sửa tivi, tủ lạnh và các thiết bị điện trong gia đình. Anh Nguyễn Văn Đại, thôn Nà Sắn chia sẻ: “Không có điện khổ lắm. Khi chưa có máy phát thì toàn thắp đèn dầu, khi có máy phát rồi thì ngày cũng chỉ được dùng 3 tiếng. Chỉ thế thôi mà cũng đã mất một tháng 300-400 nghìn đồng. Ngay khi có điện, gia đình tôi mua một chiếc ti vi màn ảnh rộng, lắp cả chảo xem được nhiều kênh hơn”.

 

Có điện, người dân Bản Sen linh động, ứng dụng ngay cơ giới hoá vào sản xuất, lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đơn thuần như trước nay, để diệt sâu bọ, tưới nước cho cây trồng, ông Kiều Văn Tân và nhiều hộ dân trồng cam Sen vẫn phải sử dụng phương pháp thủ công, mất rất nhiều công sức. Nay, với chiếc máy bơm mới sắm, việc tưới tiêu cho vườn cam và các cây trồng khác đã giảm được nhiều công lao động mà mang lại hiệu quả kinh tế cao.