Những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, giá dầu thế giới liên tục biến động và giảm sâu xuống dưới 52 USD/thùng.
Bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế như kích thích sản xuất trong nước, kích thích tiêu dùng..., giá dầu giảm mạnh đã khiến không ít doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Diễn biến bất thường
Năm 2014 là một năm đầy biến động đối với thị trường dầu mỏ thế giới. Trong sáu tháng đầu năm, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-6 ở mức 105,37 USD/thùng thì đà giảm mạnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 8 trở về những tháng cuối năm. Trong tháng 8, giá dầu giảm xuống còn 96,54 USD/thùng, giảm 6,8% so với mức giá bình quân của tháng 7 và đến tháng 12 giá bình quân chỉ còn 75,79 USD/ thùng, giảm 28,3% so với tháng 6. Giá tiếp tục giảm sâu trong hai tháng đầu năm 2015 và đứng ở ngưỡng trên dưới 52 USD/thùng. Tại Việt Nam, giá xăng, dầu trong nước đã thay đổi tổng cộng 19 lần tăng, giảm. Trong đó, tăng 5 lần và giảm 14 lần, đánh dấu mức thay đổi kỷ lục của mặt hàng này trong một năm.
Giá dầu giảm sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung nhưng lại ảnh hưởng tới nhiều DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xăng, dầu nói riêng. Hiện chi phí khai thác dầu thô của Việt Nam từ 30 đến 70 USD/thùng thì với mức giá trên dưới 55 USD/thùng như hiện nay, việc xuất khẩu dầu thô cần phải được tính toán kỹ. Các DN kinh doanh xăng dầu nếu không có kế hoạch nhập hàng tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng nhập cao, bán thấp, không có lãi. Chủ tịch HÐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn cho biết, biến động giá dầu có sự cộng hưởng của các yếu tố địa chính trị nên diễn biến còn phức tạp. PVN đã tính toán và xây dựng các phương án khi giá dầu xuống dưới 100 USD, 70 USD, 65 USD, 60 USD, 50 USD và 40 USD/thùng.
Khi giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng, PVN sẽ hụt thu khoảng 28 nghìn tỷ đồng, còn nếu xuống 60 USD/thùng, mức hụt thu tăng lên gần 56 nghìn tỷ đồng. Khi giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng thì số hụt thu sẽ tăng lên rất lớn và lúc đó Tập đoàn phải tính đến phương án đóng các mỏ dầu có chi phí khai thác trên 60 USD/thùng. Chủ tịch HÐTV PVN cũng cho biết, nếu giá dầu xuống 40USD/thùng thì khai thác ở các mỏ có giá thành cao sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, số mỏ có giá thành cao hiện chỉ chiếm khoảng 450 nghìn tấn trên tổng số hơn 27 triệu tấn sản lượng khai thác trong năm. Trong trường hợp giá dầu giảm sâu, sẽ vẫn khai thác ở các mỏ dầu lâu năm, có trữ lượng lớn, chi phí hạ, áp dụng các biện pháp tăng hệ số thu hồi dầu để giảm lượng hụt thu.
Càng nhập càng lỗ
Không chỉ đối với hoạt động khai thác dầu khí, các DN sản xuất, kinh doanh xăng, dầu cũng gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng "tụt dốc" của giá dầu thế giới. Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình Bùi Văn Thế khẳng định, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, xu thế giảm sâu, đặc biệt là tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, thị trường có nhiều nguồn cung với mức thù lao đại lý/tổng đại lý luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó, năm qua, công ty đạt sản lượng bán nhiên liệu hơn 102% so với kế hoạch, nộp ngân sách 288.199 triệu đồng. Qua đó, đưa năng suất lao động chung lên 41,19m3/người/tháng. Năm 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty cũng đã triển khai các giải pháp như triển khai các kế hoạch kinh doanh phù hợp với từng địa bàn, cơ sở nhằm bảo đảm an toàn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định việc làm, tiếp tục cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động, gia tăng sản lượng xuất bán các sản phẩm, dịch vụ ngoài xăng, dầu. Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 1 (Petrolimex Hà Nội) Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, giá xăng, dầu liên tục giảm trong thời gian dài, nhưng nhờ áp dụng các giải pháp chiến lược đồng bộ, sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của gần hai nghìn cán bộ, công nhân viên, nên năm 2014, kinh doanh xăng dầu đạt 117% kế hoạch (lợi nhuận trước điều tiết), kinh doanh ngoài xăng dầu đạt 106% kế hoạch và bằng 186% so với cùng kỳ năm 2013. Thời gian tới, ngoài triển khai các kế hoạch nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, công ty sẽ tiếp tục thi công và đưa vào sử dụng các cửa hàng mới cũng như cải tạo các cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ðề cập tới các khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngành, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo cho biết, do giá dầu thế giới giảm mạnh vào quý IV-2014, đã khiến Petrolimex lỗ lớn, "cuốn" hết phần lãi chín tháng trước đó. Tuy nhiên, phần lỗ này đã được bù đắp từ các hoạt động kinh doanh ngoài xăng, dầu của Petrolimex nên dự kiến năm nay vẫn có lãi ít. Cũng theo ông Bảo, về cơ chế định giá, các cơ quan quản lý Nhà nước và DN đã có nhiều cơ chế thông qua thuế, phí và quỹ bình ổn để điều tiết và ổn định thị trường trong bối cảnh giá thế giới biến động lớn (được quy định trong cả Nghị định 84 và 83). Tuy nhiên, các biện pháp này chủ yếu để đối phó với trường hợp giá dầu thế giới tăng cao, còn đối với trường hợp giá dầu giảm như cuối năm 2008 và hiện nay thì chưa quy định cụ thể về những giải pháp để ổn định thị trường. Vì vậy, thông tư mới cần có những giải pháp xử lý cả trường hợp giá dầu xuống thấp để bảo đảm tính ổn định của thị trường xăng dầu.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ (Vinpa) cho biết thêm, giá dầu thế giới xuống thấp, kéo dài có thể gọi là đợt giảm giá bất thường khiến cơ quan quản lý Nhà nước và DN không chủ động đối phó được. Vừa qua, Vinpa đã họp, đánh giá lại tình hình hoạt động xăng, dầu năm 2014. Trong đó, phần lớn các đầu mối đều kêu rất khó khăn do càng nhập nhiều về kinh doanh càng lỗ. Khi nhập về không bán được sẽ chịu rất nhiều áp lực như tồn kho (30 ngày), lãi suất ngân hàng... trong khi giá thế giới liên tục giảm khiến cho bị lỗ họ cũng phải bán sớm để tránh gặp phải những áp lực trên. Ðể tránh thua lỗ, trong thời gian tới các DN phải có những giải pháp như: tính toán được khả năng trượt giá như thế nào, cung ứng hàng trên địa bàn trong khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là cắt giảm các chi phí nhằm tiết kiệm cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh DN... Ðối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần xử lý linh hoạt về công bố giá cơ sở đúng quy định, tiến hành khảo sát hiệu quả kinh doanh ở các cây xăng bán, trên các địa bàn riêng biệt nhằm nắm bắt những diễn biến cụ thể và có những chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - DN và người tiêu dùng.
Trong năm 2015, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu nội địa ước đạt khoảng 16,4 triệu tấn (tăng khoảng 6% so với năm 2014). Trong đó, sản xuất, pha chế trong nước đạt khoảng 8,223 triệu tấn và nhập khẩu ước đạt khoảng 8,177 triệu tấn.