Bộ Y tế thành lập 11 đoàn công tác kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng

14:39, 10/03/2015

Ngày 10/3, Bộ Y tế cho biết: Để nâng cao công tác tiêm chủng, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã thành lập 11 đoàn đi kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng tại 4 khu vực trong cả nước.  

Theo đó, 30 tỉnh sẽ được kiểm tra, đánh giá lần này gồm: Thái Nguyên, Cao Bằng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Các đoàn công tác sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác tiêm chủng tại các địa phương bao gồm tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ và kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trong tiêm chủng mở rộng.

 

Bộ Y tế khẳng định: Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được triển khai ở tất cả các xã phường của các tỉnh, thành phố với số lượng sử dụng hàng năm khoảng 35 – 40 triệu liều vắc xin để tiêm cho khoảng 1,6 triệu trẻ được sinh ra. Riêng trong năm 2014 và đầu năm 2015, chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella lớn nhất từ trước đến nay đã được Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm cho hơn 19 triệu trẻ an toàn. Nhờ có tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại từ uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm.

 

Bên cạnh tiêm chủng mở rộng, trong thời gian gần đây, có một lượng nhỏ trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ, tập trung chủ yếu ở một vài thành phố lớn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 do công ty Glaxo SmithKline và Sanofi Pasteur sản xuất vì gián đoạn cung cấp. Tình trạng này đã làm cho hoạt động tiêm chủng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân đối với các loại vắc xin này, nhất là ở một số thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, gây bức xúc cho người dân và dư luận, dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ.

 

Trước tình hình đó, bên cạnh các chính sách dài hạn như chủ động sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc đề nghị các nhà sản xuất tăng số lượng nhập khẩu vắc xin tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ vắc xin. Đặc biệt, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Đây là giải pháp quyết liệt mà Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận kịp thời với vắc xin phòng bệnh, không để tình trạng người dân không được tiêm chủng.

 

Bộ Y tế nhấn mạnh: Tất cả các loại vắc xin lưu hành tại Việt Nam đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất đến chất lượng để bảo đảm an toàn và hiệu quả khi sử dụng. Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới: “ vắc xin sởi sản xuất tại Việt Nam an toàn và đạt chất lượng, được sản xuất bằng công nghệ của Nhật Bản và được Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ. Vắc xin Quinvaxem nhập khẩu cũng an toàn và chất lượng cao theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới”.

 

Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ em và là quyền lợi của trẻ em. Các gia đình có trẻ nhỏ đến tuổi tiêm chủng theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng phải đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch của trẻ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin đều an toàn như nhau./.