Cần hợp lý, hợp tình

15:48, 09/03/2015

Như thông tin chúng tôi đã đưa, những ngày gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm đến đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có việc "tịch thu phương tiện" của người vi phạm trong một số trường hợp.

Theo đề xuất thì mục đích của chế tài xử phạt nặng như vậy là để "người dân biết và không vi phạm", "nhằm giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ"…

 

Có thể thấy, trước thực trạng các vụ tai nạn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra hiện nay, việc điều chỉnh theo hướng tăng nặng các chế tài xử phạt để góp phần giảm thiểu tai nạn là cần thiết. Tuy nhiên, điều chỉnh ra sao, tăng đến mức nào thì thiết nghĩ cần có sự cân nhắc thấu đáo. Thực tế cho thấy, chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhưng bên cạnh tinh thần thượng tôn pháp luật thì đạo đức cần được coi là nền tảng xã hội. Nói cách khác là muốn duy trì kỷ cương xã hội thì cần phát huy cả hai yếu tố pháp luật và đạo đức. Ở một góc độ, pháp luật được xem là yếu tố điều chỉnh và hình thành nên đạo đức xã hội. Nếu pháp luật được xây dựng hợp lý, phù hợp với nguyện vọng của người dân và mục tiêu của Nhà nước thì sẽ phát huy khả năng điều chỉnh xã hội tốt nhất. Một hệ thống pháp luật muốn phát huy cao nhất hiệu quả thì cần bảo đảm ba yếu tố "xây dựng pháp luật", "thực hiện pháp luật" và "ý thức pháp luật".

 

Bắt đầu từ xây dựng pháp luật, xét cụ thể trong những kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có thể thấy các chế tài được đưa ra là khá mạnh mẽ, nhiều điểm được đông đảo người ủng hộ (như: Lái xe cơ giới vi phạm quy định về nồng độ cồn bị phạt tiền tới 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng; đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe...). Những chế tài này được cho là sẽ có tính răn đe cao, nhưng để đạt hiệu quả thì còn phụ thuộc vào yếu tố thứ hai là "thực hiện pháp luật". Rõ ràng, nếu tất cả các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đều được xử lý một cách nghiêm túc, không có tình trạng người vi phạm "xin xỏ", người xử lý "thông cảm" thì sẽ chẳng cần đến việc phải tịch thu xe. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay không được như vậy, hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông vẫn tồn tại như một lẽ "tất nhiên" thì chắc chắn các quy định sẽ khó được thực thi hiệu quả. Và như thế, yếu tố thứ ba là "ý thức pháp luật" sẽ khó có thể đạt được trạng thái tốt nhất.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, để có được ý thức pháp luật trong nhân dân thì không chỉ cần có sự hiểu biết, tôn trọng thực thi pháp luật, mà còn cần có cả yếu tố tình cảm của người dân với pháp luật. Chính vì thế, nếu cơ quan quản lý chỉ đưa ra các chế tài xử lý nghiêm khắc, thậm chí hà khắc, hoặc những chế tài thiếu phù hợp thì sẽ dẫn đến việc người dân không tôn trọng pháp luật. Đó là chưa kể tình trạng không đồng bộ trong các lĩnh vực xã hội, trong trường hợp cụ thể này ai cũng biết rượu gây tác hại về nhiều mặt (hủy hoại sức khỏe của con người, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí gây băng hoại đạo đức lối sống của không ít đối tượng…) chứ không chỉ trong lĩnh vực an toàn giao thông, vậy tại sao các cấp, ngành chức năng không cấm rượu mà lại tịch thu xe?

 

Như vậy có thể nói, một hệ thống pháp luật "mạnh về lý" chưa đủ, mà nó còn cần "hợp về tình" để người dân tôn trọng, tự giác thực hiện đạt kết quả, hiệu quả cao.