Chủ động đẩy mạnh xuất khẩu

16:03, 02/03/2015

Theo nhận định của ngành chức năng, năm 2015, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước vận hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu, bởi nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn sau khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những đối tác thương mại hàng đầu thế giới.

Và, nhiều khả năng lĩnh vực xuất khẩu vẫn sẽ là mảng sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm nay. Xét về thị trường xuất khẩu, ngành chức năng đánh giá trong thời gian gần đây hiếm có đối tác thương mại nào có kết quả và tốc độ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh như Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 24% so với năm trước và là mức tăng trưởng "trong mơ" đối với hầu hết các đối tác khác.

 

Kết quả trên cũng đưa Việt Nam vượt lên trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất khu vực vào thị trường Mỹ (chiếm vị trí cao hơn cả các đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ thuộc ASEAN như Thái Lan, Malaysia). Hiện nay, các chuyên gia kinh tế vẫn đánh giá cao tiềm năng mở rộng quy mô xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường Mỹ, bởi nền kinh tế nước này đang lấy lại tốc độ tăng trưởng; có một số loại hàng Việt Nam đã khẳng định được uy tín, thương hiệu tại thị trường này (như hàng dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ...). Riêng mặt hàng dệt may Việt Nam đang đạt kim ngạch gần 10 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào thị trường Hoa Kỳ; dự kiến mức xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn tăng mạnh hơn khi Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - có thể ký kết vào cuối năm nay.

 

Xét từ góc độ địa phương, các thành phố lớn của nước ta cũng đang tập trung nguồn lực, nghiên cứu biện pháp hoặc đề ra kế hoạch nhằm tăng cường xuất khẩu trong năm nay. Đơn cử, T.P Hà Nội vừa ban hành kế hoạch và một số biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn, trong đó xác định hai thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đồng thời, UBND Thành phố chủ trương thực hiện một số chính sách như: Hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho các DN; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ (nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý). Dự báo kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô năm nay sẽ tăng 8,5% so với kết quả của năm trước, tương đương 12 tỷ USD. Đối với các địa phương khác như T.P Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương cũng chú trọng công tác hỗ trợ DN, xác định đó là đối tượng phục vụ theo tinh thần cải cách hành chính.

 

Cụ thể, các đơn vị quản lý sẽ phải đáp ứng một số nhu cầu thiết thực của cộng đồng DN, tập trung vào vấn đề giải quyết các thủ tục hải quan, thuế, đăng ký DN, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật cũng như công khai về quy hoạch, danh mục dự án có thể kêu gọi sự tham gia của DN thông qua hình thức hợp tác công - tư... Từ thực tế cho thấy các địa phương đều đã và đang nỗ lực vào cuộc, xác định những đầu việc cần triển khai thực hiện ngay để trợ giúp cộng đồng DN, đồng thời cũng là tự cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của mỗi địa phương trong năm 2015. Liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh: Năm 2015 phải là năm tạo ra bước chuyển mạnh đối với công tác quản lý, có tính dấu ấn trong việc hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa…

 

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay, cùng với Công ty điện tử Samsung còn có nhiều DN khác tham gia sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các công ty may mặc. Do đó, những vấn đề nêu trên rất cần được các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng như cộng đồng DN quan tâm triển khai thực hiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia kết hợp với chuyển dịch và tái cơ cấu nền kinh tế.