Cùng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới

11:07, 25/03/2015

Với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) với tỉnh Lào Cai, ngày 23-3, Đoàn công tác của Thái Nguyên đã lên đường.

Cùng với người dẫn đầu là đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, Liên minh các HTX tỉnh, đại diện một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Được sự đón tiếp nồng nhiệt của đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM và các sở, ngành của tỉnh Lào Cai, Đoàn công tác của tỉnh ta đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai; thăm, tìm hiểu phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Bảo Thắng, mô hình HTX chăn nuôi Quý Hiền.

 

Tuy là tỉnh khó khăn, nhưng Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ xã xây dựng nông thôn mới cao nhất cả nước, có 35 xã thuộc hầu hết các huyện, thành phố được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến huyện, thành phố; toàn bộ các xã (144 xã) trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban quản lý XDNTM. UBND tỉnh đã phân công 144 lãnh đạo các cơ quan đơn vị của tỉnh theo dõi, giúp đỡ 144 xã nông thôn. Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM là cơ quan thường trực của chương trình này.

 

Theo đánh giá, qua 4 năm thực hiện, tỉnh Lào Cai đã huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn cho Chương trình XDNTM với tổng kinh phí 8.360.258 triệu đồng. 144/144 xã đã được phê duyệt quy hoạch. Toàn tỉnh đã làm được 1.934/2.263km đường các loại, nâng cấp, cải tạo 666 công trình thủy lợi; 100% số xã có điện lưới quốc gia; xây dựng được trên 24.300 nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cấp, xây mới gần 30.000 chuồng, trại chăn nuôi; vận động nhân dân ủng hộ 2.000.000 ngày công, hiến 14.000 ha đất, huy động từ cộng đồng được gần 50 tỷ đồng….

 

Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có 9 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 3 xã được công nhận năm 2013 và 6 xã đã hoàn thành hồ sơ, đủ điều kiện công nhận xã NTM năm 2014. Bình quân số tiêu chí hoàn thành/xã của toàn tỉnh là 7,43 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí/xã so với năm 2013. Đối với 18 xã đăng ký hoàn thành NTM trong năm 2015, hiện có 3 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, 13 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí.

 

Mô hình chăn nuôi gà của HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền.

 

Tuy nhiên, Lào Cai vẫn còn có những khó khăn, thách thức trong thược hiện chương trình đó là: Xuất phát điểm thực hiện đề án ở mức thấp, hạ tầng kinh tế nông thôn còn nhiều hạn chế và thấp so với chỉ tiêu XDNTM. Khu vực nông thôn tỉnh Lào Cai chủ yếu là miền núi, vùng cao, địa hình phức tạp, cư dân sống phân tán, suất đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cao.

 

Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện, nguồn phân bổ của Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM rất thấp cho nên việc thực hiện các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội như: Đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học… rất khó khăn, trong khi đó xã đạt tiêu chí NTM bắt buộc phải đạt chuẩn các tiêu chí này.

 

Việc thể chế hóa các cơ chế, chính sách, hướng dẫn của Trung ương còn chậm làm cho địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện. Một số tiêu chí: Hệ thống chính trị; nhà ở; cơ sở vật chất văn hóa; thu nhập áp dụng đối với vùng miền núi, biên giới khó khăn như Lào Cai còn chưa phù hợp. Thu nhập của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn vốn để thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu…

 

Thăm huyện Bảo Thắng và mô hình HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền; đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã được địa phương và HTX báo cáo những nét cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội địa phương, nhất là Chương trình XDNTM. Huyện Bảo Thắng thuộc quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh. Tuy là vùng sớm phát triển chăn nuôi và nhiều hộ giàu lên nhờ chăn nuôi, nhưng vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ và tự phát, nên các hộ chăn nuôi phổ biến gặp rủi ro, thậm chí thất bại không thể tái đàn. Trong bối cảnh đó, HTX chăn nuôi Quý Hiền ra đời nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các cấp ngành liên quan. HTX lấy hộ xã viên làm đơn vị hạch toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình. Còn lại, hầu hết các dịch vụ kinh doanh đầu ra, đầu vào liên quan đến các sản phẩm chăn nuôi chính đều do HTX đảm nhiệm. Đến nay, HTX đã ký kết và thực hiện thành công nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá, HTX chăn nuôi Quý Hiền rất bài bản từ bối cảnh ra đời và cách làm kinh doanh dịch vụ. HTX hoạt động rất hiệu quả, nhất là cho thấy tính ưu việt của loại hình HTX trên vùng núi Lào Cai, bảo đảm trọn vẹn vai trò hỗ trợ đồng bào yên tâm làm giàu từ nghề chăn nuôi vốn đầy rủi ro như hiện nay... Qua tìm hiểu mô hình này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng cần nghiên cứu để từng bước áp dụng phương pháp quản lý vào một số loại hình HTX của tỉnh Thái Nguyên.

 

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà hai địa phương đã đạt được trong xây dựng NTM. Là một tỉnh miền núi, Thái Nguyên cũng có những nét tương đồng với Lào Cai. Bằng sự nỗ lực cao, đến hết năm 2014, Thái nguyên đã có 12 xã đạt các tiêu chí về NTM.

 

Lãnh đạo hai tỉnh và các sở ngành của hai địa phương cũng đều thống nhất quan điểm chung là: Để làm tốt Chương trình XDNTM, cần làm tốt các nhóm giải pháp đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận đông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu XDNTM; huy động mọi nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình; có cơ chế chính sách để thực hiện tốt các chương trình sản xuất nông - lâm nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ cho phát triển hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công triển khai thực hiện; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các thôn, bản trong tuyên truyền, vận động. Tập trung chỉ đạo điểm để tuyên truyền, học tập và nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả trong tổ chức thực hiện các tiêu chí XDNTM. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân và các hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong XDNTM.