Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất đai

16:20, 25/03/2015

Ngày 25-3, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Ksor Phước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ủy ban  Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát tại huyện Định Hóa về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2004-2014 tại huyện Định Hóa.

Cùng dự có đại diện một số bộ, ngành của Trung ương. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe lãnh đạo UBND huyện Định Hóa, Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa báo cáo khái quát tình hình kinh tế -xã hội của huyện, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Theo đó, tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là trên 52,2 nghìn ha, trong đó rừng sản xuất là trên 13,7 nghìn ha, rừng phòng hộ là gần 9 nghìn ha và rừng đặc dụng là trên 7,5 nghìn ha...

 

Sau khi nghe các báo cáo, các thành viên trong Đoàn giám sát đã đề nghị UBND huyện Định Hóa, Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa làm rõ một số nội dung, cụ thể: làm rõ tình hình cắm mốc giới đối với 3 loại rừng trên địa bàn; mục tiêu, cách thức tổ chức Đề án "Cánh rừng mẫu lớn"; nguyên nhân dẫn đến việc thiếu đất ở, đất sản xuất tăng lên theo từng năm? Trách nhiệm của UBND các cấp, Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa trong việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất của Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa? Vấn đề tranh chấp và giải quyết các tranh chấp như thế nào? Số diện tích đất chưa sử dụng là loại đất nào? Tỷ lệ người dân được hưởng lợi trong công tác giao đất giao rừng? Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Rừng ATK Định Hóa với UBND các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai ra sao?...

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến giải trình và kiến nghị của địa phương, đồng chí Ksor Phước đề nghị: Định Hóa cần điều tra, thống kê, quy hoạch sử dụng đất. Rà soát, hệ thống lại các trường hợp khiếu nại, lấn chiếm đất, sắp xếp các khu dân cư liên quan đến địa giới đất rừng. Đối với khu bảo tồn rừng ATK, cần quy hoạch sắp xếp rõ và di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ và các vùng thiên tai hay xảy ra sạt lở đất. Đối với rừng sản xuất, cần rà soát xây dựng các phương án sử dụng, lựa chọn cây trồng phù hợp, đưa ra chiến lược phù hợp để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống và giảm nghèo...