Hồ trợ 1.538 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

22:52, 28/03/2015

Ngày 28-3, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (TKCC) năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, TKCC; đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu I và các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.

 

Thiên tai năm 2014 đã làm 133 người chết và mất tích; 145 người bị thương; 1.985 ngôi nhà bị đổ sập, trôi; 42.758 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; trên 230 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất dá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp… ước tính thiệt hai khoảng 2.830 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, song Đảng Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành đã giành sự ưu tiên cao đối với công tác phòng chống lụt bão. Để hỗ trợ các Bộ, ngành địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ 1.538 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 1.400 tấn lúa giống, 267 tấn ngô giống, hơn 17 tấn hạt giống rau các loại.

 

Phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 85 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả; 1.213 phương tiện và các thiết bị khác tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển; tìm kiếm cứu nạn trên biển 1.200 vụ, với gần 1.200 người và 65 phương tiện; hướng dẫn kêu gọi gần 351 nghìn lượt phương tiện đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để chủ động vào nơi trú tránh an toàn; giúp các địa phương di dời 21.284 hộ dân ở khu vực ngập lụt đến nơi an toàn...

 

Mặc dù công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đã góp phần giảm thiệu thiệt hại về người và tài sản song vẫn có những hạn chế: Một số địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện xã chưa quyết liệt trong việc hướng dẫn và cấm người đi qua suối ngầm khi có lũ nên vẫn xảy ra một số trường hợp đáng tiếc; ý thức hợp tác của một bộ phận ngư dân với chính quyền trong công tác này chưa cao; việc xác định vùng nguy hiểm, lập phương án và sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất chưa thực hiện quyết liệt…

 

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay, tình hình thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, để chủ động đối phó, các Bộ ngành, địa phương cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư, đồng thời rà soát Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu cơ chế chính sách huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo hiểm rủi ro thiên tai; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về làng, xã an toàn trước thiên tai...