“Hoa mai” trên đảo Hòn Đốc

08:31, 20/03/2015

Sinh sống trên đảo Hòn Đốc (thuộc quần đảo Hải Tặc), xã Tiên Hải, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, đa phần đàn ông đảm nhiệm công việc đi ghe cào, nuôi cá lồng, còn phụ nữ ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình.

Nhưng với nghị lực phi thường, bà Lê Thị Mai đã làm những phần việc thường “thuộc về” đàn ông, nuôi cá lồng bè trên biển, khiến nhiều người trên đảo nể phục.

 

Vùng biển xã đảo Tiên Hải sóng nước hiền hòa, xanh trong. Trên mặt nước, hàng chục ô nuôi cá lòng bè được dựng lên san sát. Phía ngoài, tàu lớn, nhỏ ra vào tấp nập. Chèo thuyền nhỏ từ bờ ra chừng 300m, chúng tôi như bị hút hồn vào những ô nuôi cá lồng bè của bà Lê Thị Mai ở đảo Hòn Đốc, một trong những hòn đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc. Khu vực rộng chừng 500m2, thoáng nhìn nó như một chiếc bè khổng lồ nhưng bên trong là gần chục ô lưới. Mỗi ô chứa hàng trăm con cá nối đuôi nhau bơi lượn.

 

Tôi không ngờ, chủ của giàn lồng bè giá bạc tỷ ấy là người đàn bà vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt hằn sâu nỗi vất vả, đôi tay thô ráp. Bà kể: “Cuộc đời tôi trải qua nhiều thăng trầm, khốn khó, cuộc sống nhiều lúc đã chạm đến đáy của sự cùng cực. Gia đình tôi đã từng có lúc không có nổi 2 nghìn đồng để mua mỡ rán cá, hai vợ chồng vất vả làm lụng, người theo ghe cào (thuyền bắt cá) làm thuê, người đánh lưới ven đảo mà lúc nào cũng thiếu thốn trăm bề”. Cho đến bây giờ, nhiều lúc bà cũng không tin mình có một gia sản lớn, lại có tiếng trong làm kinh tế ở quần đảo Hải Tặc này. Hiện tại, bà Mai có 7 lồng nuôi cá tính sơ cũng ngót 1 tỷ đồng, 4 chiếc tàu đi biển trị giá hơn 2 tỷ đồng. Cậu con trai và con rể út giúp bà quản lý 4 chiếc ghe. Mỗi năm 4 chiếc ghe cũng đem lại cho bà hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Nhiều lúc đứng nhìn khối tài sản của mình mà bà cứ nghĩ là đang mơ. Ngoài việc giao cho các con quản lý, bà còn giải quyết việc làm cho 16 lao động với mức lương 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Còn ông Lương Văn Sơn, chồng bà Mai chia sẻ: “Chúng tôi cưới nhau lập gia đình năm 1976, khi đất nước mới được giải phóng. Trên đảo lúc đó chỉ có hơn 20 hộ dân, cuộc sống trên đảo rất khó khăn. Đến năm 1992, tôi tham gia công tác trên xã còn bà ở nhà quán xuyến, cai quản làm kinh tế gia đình. Thấy vợ vất vả, cực khổ nhiều lần khuyên nên giữ gìn sức khỏe nhưng bà ham làm lắm. Cách đây gần chục năm, thấy bà Mai chịu khó và thật thà, người chủ mối chuyên mua cá đã ứng trước 40 triệu đồng để tôi mua chiếc ghe với giá 100 triệu đồng. Lúc ấy, tất cả vốn iếng trong nhà tôi chưa tới 10 triệu đồng. Tất cả số tiền còn lại họ đều cho tôi nợ và được trả dần bằng thành quả sau mỗi lần ra biển”. Nhờ chịu khó, bà nhanh chóng trả hết nợ và bắt đầu dành dụm, tích lũy. Mấy năm sau, bà quyết định mua thêm chiếc tàu thứ 2. Lần này, người hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà Mai vẫn là ông chủ mối thua mua cá Nguyễn Văn Luyến ở thị xã Hà Tiên. Chiếc tàu trị giá 600 triệu đồng nhưng vì bà có uy tín từ trước nên ông Luyến cho nợ tới 1 nửa. Mấy năm trở lại đây, thấy người ta nuôi cá lồng bè nhiều và đều có thu nhập khá bà, đã quyết tâm đầu tư.

 

Nuôi cá lồng bè trên biển tuy vất vả, vốn đầu tư khá lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện mô hình kinh tế này. Đầu năm 2014, bà Mai bỏ ra trên 500 triệu đồng thử nghiệm công việc nuôi cá lồng trên diện tích hơn 500m2, bà nuôi hơn 5.000 con cá bớp và cá mú nghệ. Năm đầu tiên thử nghiệm với mô hình nuôi cá, bà Mai đã gặp nhiều khó khăn. Cá mắc bệnh bà không xử lý kịp, chăm sóc cá cũng chưa đúng cách nên số lượng cá nuôi thiệt hại hơn 50%. Tuy nhiên, cá bóp và cá mú nghệ là hai loại cá có giá trị kinh tế cao nên số còn lại cũng đủ để bà Mai thu hồi đủ vốn. Có kinh nghiệm từ lần nuôi trước, đến lứa thứ 2, bà Mai tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi và chủ yếu nuôi cá bóp và cá mú nghệ. Kết quả trung bình mỗi lồng bè, bà thu lãi 40 đến 50 triệu đồng.

 

Chị Bùi Thúy Lũy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiên Hải cho biết: Bà Mai là một trong những hội viên tiêu biểu của xã trong phát triển kinh tế gia đình. Bà là người dám nghĩ dám làm. Không chỉ biết làm giàu cho mình, bà Mai còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ ngư dân về thức ăn và cách nuôi cá.

 

Chia tay đảo nhỏ và những ngư dân kiên cường, mến khách, chúng tôi càng khâm phục ý chí, nghị lực của người phụ nữ mang tên một loài hoa luôn biết vươn lên thích ứng với cuộc sống dù khó khăn, khắc nghiệt. Chợt nghĩ, bà Mai cũng như bao người khác ở Hòn Đốc, họ bám biển, bám đảo, giữ nghiệp làm giàu cho mình cũng chính là giữ lấy vùng biển thiêng liêng, tươi đẹp phía Tây Nam của Tổ quốc.