Trung tuần tháng ba, Đoàn công tác Câu lạc bộ các nhà báo nữ (Hội Nhà báo tỉnh) lại có dịp hành hương về Đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Mặc dù trời mưa phùn rả rích cả tuần, nhưng cũng không làm nản lòng các nhà báo nữ về nơi quê cha đất Tổ. Sau khi thăm “cơ ngơi” của Hội Nhà báo Phú Thọ, anh Nguyễn Tường Thứ, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ đã giới thiệu với chúng tôi một số nơi cần đến trong quần thể Khu di tích như: thắp hương ở các đền Hạ, Trung, Thượng; Đền Mẫu Âu cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân; Bảo tàng Hùng Vương; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thủy; thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng quê Phú Thọ “Dê núi đá, cá Sông Đà, gà Tổng Thượng”. Song, do thời gian có hạn nên hành trình của chúng tôi chỉ đi được hai nơi: thắp hương ở Đền Hùng, tắm suối nước khoáng nóng Thanh Thủy. Cũng đã lâu, tôi mới có dịp trở lại Đền Hùng nên những đổi thay nơi đây đều trở lên mới lạ. Khu di tích Đền Hùng được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Con đường lên Đền Thượng không còn trơn truột mỗi khi mưa về. Thay vào đó là con đường với hàng trăm bậc lát đá uốn lượn quanh sườn núi để mọi người có thể thuận tiện đi từ Đền Hạ đến Đền Trung và Đền Thượng. Cỏ cây ngát hương, chim muông ríu rít. Khách hành hương hầu như quên hẳn nỗi mệt nhọc trèo lên đỉnh núi khi chiếc loa trên đỉnh Đền Thượng liên tục phát đi những bài ca cách mạng; thi thoảng lại dừng chương trình ca nhạc để xen cài vào đó vài lời dặn dò du khách thập phương chớ quên giữ vệ sinh chung; cảnh giác với những trò bói toán, bịp bợm; mua, bán đúng nơi quy định để không thiệt mình và góp phần gìn giữ nét đẹp vốn có của Khu di tích. Vì vậy, dọc đường lên, chúng tôi không thấy cảnh vứt rác bừa bãi; đổi tiền lẻ để dắt vào cành cây, tay tượng Phật; mọi người đi đứng, mua bán trật tự, văn minh; luôn chấp hành nghiêm túc sự hướng dẫn của những người bảo vệ Đền và thành kính nơi thờ tự. Cũng may, hôm chúng tôi đi không phải là ngày lễ nên lượng người không đông lắm.
Đứng trên đỉnh Đền Thượng, nhìn dòng người ngược, xuôi đến dâng lễ, lòng tôi lại chợt nhớ về cội nguồn Tiên Tổ với truyền thuyết Lạc Long Quân- con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ- con gái vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc một trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, 50 người con đã theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Để ghi nhớ công lao to lớn của các vua Hùng, nhân dân đã lập Đền thờ tưởng niệm nơi núi Nghĩa Lĩnh này và lấy ngày 10-3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ. Không quên dòng giống con Lạc cháu Hồng, nhớ về Tổ tiên, nên đã thành lệ, “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Vì vậy, mỗi người về đây đều có tâm nguyện, trước tiên là thắp nén tâm nhang để tưởng niệm các vua Hùng; sau đó là nguyện cầu cho đất nước hùng cường, phát triển, thịnh trị, gia đình nhỏ của mình luôn bình an, hạnh phúc, thành đạt. Thế là toại nguyện lắm rồi.
Sau hơn 2 tiếng thắp hương, vãng cảnh Đền, chúng tôi trở về thành phố Việt Trì thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng quê Phó Thọ rồi tiếp tục hành trình về Khu nghĩ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy. Mỏ nước khoáng nóng này được phát hiện cách đây 25 năm nhưng mới đưa vào khai thác gần chục năm nay và trở thành thế mạnh du lịch của huyện Thanh Thủy. Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, nước khoáng ở đây có nhiệt độ trung bình khoảng 370 độ C đến 430 độ C. Trong nước khoáng có nhiều hàm chất vi lượng như: Natri, canxi, magie, đặc biệt có nhiều hàm chất radon- một loại nước radon quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh. Nó không chỉ có tác dụng chữa các bệnh ngoài da mà còn có khả năng thúc đẩy tuần hoàn, lưu thông máu, có lợi cho tim , giúp cho con người có một làn da khỏe đẹp. Nhất là những ai bị xương khớp hay làm việc nhiều, chân tay thấy mệt mõi, rã rời, chỉ cần ngâm khoảng 30 phút, kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt và thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể. Đặc biệt nước khoáng ở đây rất sạch, trong, không mùi, độ nóng vừa phải. Vì vậy, sau những giờ leo núi mệt nhọc; ăn uống thỏa thuê, rồi đi tắm suối nước khoáng nóng, ra về ai cũng có cảm giác sảng khoái như đang bắt đầu của một cuộc hành trình.
Theo anh Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Phú Thọ: Ngày 10-3 âm lịch năm 2015, Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu. Hiện nay, các hoạt động tuyên truyền quảng bá hình ảnh hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Giỗ Tổ Hùng Vương; vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước công đức tôn tạo Khu di tích Đền Hùng và chuẩn bị các điều kiện khác cho ngày Quốc giỗ đang được triển khai tích cực. Năm nay nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4; 1-5, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 6 ngày liên tục. Đây là dịp để mọi người về với Tiên Tổ để tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân của dân tộc.