Nỗi lo mặt bằng giá cả sẽ tăng

17:11, 15/03/2015

Như thông tin chúng tôi đã đưa, kể từ 15 giờ ngày 11-3, sau nhiều lần giảm, giá xăng bán lẻ trên thị trường trong nước đã được điều chỉnh tăng gần 1.700 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut cũng tăng ở mức 710 - 910 đồng/lít (tùy loại). Trước đó mấy ngày, Thường trực Chính phủ đã đồng ý cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện 7,5% kể từ ngày 16-3. Vậy, liệu giá cả của các loại hàng hóa khác có tăng theo và sẽ tăng ở mức nào?

 

Trước việc tăng giá xăng dầu, giá điện diễn ra gần như đồng thời thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ gia tăng là điều rất khó tránh. Và, vấn đề được đông đảo người dân quan tâm hiện nay là từ việc hai loại hàng hóa thiết yếu nêu trên điều chỉnh tăng giá, liệu giá cả của các loại hàng hóa khác có tăng theo và sẽ tăng ở mức bao nhiêu? Theo tính toán của ngành chức năng, với mức tăng giá điện 7,5% sẽ làm cho CPI của cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,25%. Cùng với đó, khi mức giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền. Bởi trước đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng là sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu thì lập tức các loại hàng hóa dịch vụ khác đều lấy đó làm căn cứ "hợp lý" để tăng giá kiểu “tát nước theo mưa" và tình trạng này không dễ đối phó.

 

Đáng lưu ý, giá xăng bán lẻ trong nước tăng là do giá dầu thế giới tăng, nên ở góc độ nào đó chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên, về việc giá điện tăng với biên độ lớn thì vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn. EVN lý giải việc tăng giá điện là để tránh cho doanh nghiệp khỏi bị lỗ, có thêm nguồn lực tái đầu tư (thậm chí, mức tăng giá bán điện 7,5% vẫn chưa đạt mục tiêu doanh nghiệp đề ra, vì mức tăng đơn vị này đề xuất phải là gần 13%). "Cái lý" của EVN là vậy, nhưng đối với người tiêu dùng thì sau rất nhiều lần giá bán điện tăng mà đến nay giá thành sản xuất, cung ứng điện vẫn chưa được giải trình một cách thuyết phục. Mới đây nhất là việc ngành Điện sẽ thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tăng năng suất lao động, giảm biên chế thừa, giảm hao hụt truyền tải điện như thế nào để đạt hiệu quả? Thiết nghĩ về vấn đề này người dân cần được ngành Điện thông tin một cách công khai, minh bạch.

 

Như chúng ta đã biết, nền kinh tế đất nước mới có dấu hiệu phục hồi trong năm 2014. Trong khi đó, hai tháng đầu năm 2015, chỉ số CPI của cả nước giảm không theo quy luật, ngoài lý do giá xăng dầu giảm mạnh thì không thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng là bởi sức mua trên thị trường chưa được cải thiện rõ rệt (tức là đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên vẫn phải thắt chặt chi tiêu). Đồng hành với đó là lượng hàng hóa tồn kho còn lớn, "sức sống" của phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn những trở ngại chưa thể vượt qua trong thời gian ngắn... Chính vì thế, việc tăng giá điện, giá xăng dầu không chỉ là lo ngại của những người điều hành kinh tế vĩ mô mà còn của đại đa số người dân. Cùng với đó, năm 2015 là năm đẩy mạnh hội nhập của nền kinh tế đất nước, với hàng loạt cam kết về áp dụng biểu thuế ưu đãi khi Việt Nam tham gia các hiệp ước thương mại tự do, rồi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay theo đúng lộ trình. Khi đó, các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm, kéo theo hàng hóa nước ngoài du nhập vào thị trường nước ta ngày càng nhiều, với giá rẻ hơn. Trong bối cảnh đó, nếu không có những giải pháp quyết liệt, phù hợp của các cấp, ngành chức năng thì hàng hóa sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà. Và khi ấy, nỗi lo cuối cùng lại trút lên đầu người tiêu dùng.