Như thông tin chúng tôi đã đưa, vụ sập giàn giáo tại công trường của Tập đoàn Samsung ở Dự án Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vào tối 25-3 đã làm 13 người thiệt mạng, 28 người bị thương.
Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra tiếp tục khiến dư luận hoang mang, lo lắng về công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trường, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp. Bởi trên hết, tính mạng của các công nhân là điều quan trọng nhất.
Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, qua hơn 12 giờ đồng hồ sau khi xảy ra vụ sập giàn giáo nói trên, cơ quan chức năng vẫn chưa thể công bố danh sách lao động có mặt trên công trường, số người gặp nạn. Lý do được đưa ra là đơn vị quản lý đang bận… khắc phục hậu quả (!?) Thông cảm phần nào với sự bối rối của các "khổ chủ", nhưng chúng ta cũng thật khó hiểu về vấn đề này, vì nếu thực hiện tốt công tác quản lý nhân sự thì hoàn toàn có thể công bố ngay danh sách lao động có mặt trên công trường cũng như khu vực có thể tập trung đông người nhất vào thời điểm tai nạn xảy ra. Như vậy, công tác cứu hộ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều; các gia đình có người thân làm việc tại đây cũng bớt “đứng ngồi không yên” bởi không rõ con em mình có nằm trong danh sách những người xấu số hay không? Và lúc này, nguyên nhân của vụ tai nạn do đâu, lỗi thuộc về bộ phận nào là điều không chỉ gia đình những người bị nạn muốn có câu trả lời, mà dư luận xã hội cũng đặc biệt quan tâm…
Xét rộng hơn, dẫu biết rằng các vụ tai nạn lao động thường xảy ra bất ngờ và rất khó lường, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa, hạn chế tối đa nếu các quy trình, quy định về bảo đảm an toàn lao động được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Vậy mà, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2014 cả nước đã xảy ra tới hơn 6.700 vụ tai nạn lao động, tăng 0,2% so với năm 2013, trong đó các tiêu chí về số vụ có người chết (với gần 600 vụ), số người chết và bị thương nặng do tai nạn lao động đều tăng. Thế nhưng, đến ngày 5-2-2015, Bộ này mới chỉ nhận được 202 biên bản điều tra về các vụ tai nạn lao động (với 224 người thiệt mạng) từ các địa phương. Đáng lo ngại hơn nữa là phân tích từ 202 biên bản nói trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết có tới 72,7% số vụ tai nạn xảy ra do lỗi của doanh nghiệp sử dụng lao động, 13,4% do lỗi từ chính bản thân người lao động. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động phần lớn là do doanh nghiệp không xây dựng quy trình, giải pháp sản xuất an toàn; thiết bị, điều kiện lao động, việc tổ chức lao động không bảo đảm an toàn; vi phạm quy trình sản xuất, không sử dụng thiết bị bảo hộ… Điều đó có nghĩa là nếu các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện đúng các quy định, quy trình kỹ thuật về bảo đảm an toàn lao động thì có thể ngăn chặn trên 85% số vụ tai nạn. Cũng từ thực trạng này cho thấy các cấp, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định, quy trình kỹ thuật về bảo đảm an toàn lao động tại từng đơn vị, doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động.
Các bộ, ngành, địa phương vừa tham dự Lễ phát động và đang tích cực hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015. Mong rằng những công việc cần triển khai trong lĩnh vực này sẽ thường xuyên, liên tục được thực hiện ráo riết, triệt để, đi vào thực chất và đạt hiệu quả ngày càng cao, để không còn xảy ra những vụ tai lao động thảm khốc.