Ngày 27-3, tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam năm 2015, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TTBH đã góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô khi bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế 130 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, TTBH đã góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô khi bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế 130 nghìn tỷ đồng (trong đó, tổng số dư đầu tư vào trái phiếu Chính phủ đạt 70 nghìn tỷ đồng, góp phần ổn định các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ). TTBH cũng góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; bảo vệ tài chính cho tài sản của nhà đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, TTBH trong nước cũng còn một số hạn chế như: quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm thấp; hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn chưa phù hợp; Công tác tuân thủ pháp luật còn chưa cao, hoạt động kinh doanh vẫn còn chạy theo mục tiêu doanh thu trước mắt; công tác quản lý tài chính còn thiếu chặt chẽ.
Còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong chia sẻ thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm, làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn thị trường, hạn chế phát triển hiệu quả và bền vững về dài hạn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, năm 2015 có thể coi là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đề ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng cao; nắm bắt được các cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế- xã hội.
Bộ trưởng đề nghị các thành viên thị trường tập trung vào năm nhiệm vụ chính trong năm 2015, trong đó, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách là tăng cường các chương trình truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách; công tác hỗ trợ pháp lý; cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu; quản lý, giám sát; phòng chống trục lợi bảo hiểm,...