Truyền thông có vai trò quan trọng với công tác dân số. Nhờ truyền thông tốt mà nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, do đó chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên rõ rệt.
Phó Tổng cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân cho biết: Thời gian qua, nhờ có công tác tuyên truyền mà những khẩu hiệu, pháp lệnh dân số được người dân biết đến và nhiệt tình hưởng ứng hơn. Công tác tuyên truyền được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề... Góp phần vào sự thành công của công tác tuyên truyền phải kể đến những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, những cộng tác viên (CTV), cán bộ y tế cơ sở... Lợi thế của người làm công tác tuyên truyền dân số đó là chính những cộng tác viên dân số, cán bộ y tế là những người sống ở ngay trong cộng đồng khu dân cư, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, họ có thời gian gần gũi với dân nên mọi lúc, mọi nơi có thể tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe cho người dân hiệu quả nhất. Nếu trong giai đoạn 1993-2000, đội ngũ cộng tác viên dân số mới chỉ tập trung tuyên truyền về KHHGĐ, chưa thực hiện truyền thông nhiều về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản khác như là quyền sinh sản; làm mẹ an toàn; phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; sức khỏe sinh sản vị thành niên; bình đẳng giới... thì từ sau năm 2000 đến nay, với việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010, các cộng tác viên dân số có nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện hơn.
Tại các địa phương, để công tác truyền thông đạt hiệu quả, hằng năm trung tâm dân số các tỉnh lên kế hoạch mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng tác viên với những nội dung cơ bản thiết thực, các kỹ năng cơ bản trong quá trình tuyên truyền. Chị Nguyễn Thị Thắng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chia sẻ: Tôi đã làm cộng tác viên dân số được sáu năm nay. Thời gian đầu, cũng khó khăn lắm, nhất là tuyên truyền, vận động triệt sản nam. Có nơi, do trình độ dân trí còn thấp, cho nên người dân nơi đây cứ nghĩ triệt sản sẽ làm ảnh hưởng sức khỏe, họ nhất định không tham gia. Thêm nữa, họ cũng chỉ biết được "loáng thoáng" chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) qua các kênh thông tin đại chúng, còn để hiểu cụ thể, rõ ràng hơn thì phần lớn họ chưa nắm được. Hơn nữa, vì truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là truyền thông gián tiếp, cho nên người xem không thể hỏi lại hay trao đổi để giải quyết các thắc mắc hay những nội dung chưa hiểu rõ. Điều này là phổ biến đối với phần lớn người xem là những người dân lao động có trình độ văn hóa chưa cao, nhất là ở các vùng nông thôn... Với cách làm truyền thông trực tiếp, bền bỉ, "mưa dầm, thấm lâu", một thời gian sau, họ đã giúp người dân hiểu được việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ là điều cần thiết, đây là cách tốt nhất để giảm sinh, thoát nghèo, con cái được học hành, chăm sóc đầy đủ hơn. Tuy nhiên, cái khó của người làm công tác truyền thông dân số là làm thế nào để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của người dân; cách chọn chủ đề tuyên truyền và thời gian thích hợp để tiếp cận đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Khi người dân đã thấm nhuần, họ sẽ chủ động và tự nguyện sử dụng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ vì lợi ích của chính bản thân và gia đình họ.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân, mặc dù công tác truyền thông đã đạt được hiệu quả nhất định, nhưng vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các vùng đông dân cư và kinh tế phát triển; chưa quan tâm triển khai được nhiều chiến dịch truyền thông dân số tới những vùng sâu, vùng xa, nơi mà trình độ dân trí còn thấp và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Với đối tượng vị thành niên, nam giới, chưa có được nhiều nội dung tư vấn phong phú; nhất là dân tộc thiểu số và các tôn giáo. Người cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản chưa được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông, vì thế họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài liệu tư vấn về SKSS/KHHGĐ.Thiếu kiến thức hiểu biết về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện nay là tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện, thì hạn chế này lại càng bộc lộ rõ. Vì đội ngũ CTV dân số được tuyển chọn từ ngay trong cộng đồng, trên cơ sở lòng nhiệt tình tham gia với công tác xã hội là chính, cho nên họ hầu như không có chuyên môn về y tế, mặc dù hằng năm họ đều được tập huấn, nhưng thời gian tập huấn thường rất ngắn. Ngoài ra, đối với đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên dân số, ngành dân số sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức, chuyên môn kỹ năng truyền thông và tư vấn cho đội ngũ này. Cần nghiên cứu, tìm ra những mô hình, giải pháp truyền thông, các dịch vụ SKSS/KHHGĐ phù hợp từng vùng, từng địa phương để chất lượng dân số càng được nâng cao.