Việt Nam có tiếng nói quan trọng về bình đẳng giới tại IPU-132

08:29, 31/03/2015

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU và 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Việt Nam là một trong các nước châu Á với nhiều nữ đại biểu Quốc hội nhất và có số nữ giám đốc điều hành đứng thứ nhì ASEAN. Tỉ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 73%.

 

Việt Nam cũng đã xây dựng và thực thi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm hướng tới bình đẳng giới như Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2015 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020.

 

Việt Nam khuyến nghị nâng cao tỷ lệ nữ tham chính

 

Trao đổi với phóng viên bên lề IPU-132, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tại IPU-132, Việt Nam tham gia tích cực và có hiệu quả vào các diễn đàn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới bình đẳng giới, khẳng định vai trò và trao quyền cho phụ nữ.

 

Theo bà Trương Thị Mai, tại Hội nghị này, Việt Nam có 3 bài phát biểu quan trọng, gồm: Tham gia vấn đề giới trong quản trị nguồn nước, An ninh mạng và phát biểu về quan điểm của Việt Nam với Tuyên bố Hành động Bắc Kinh năm 1995. Việt Nam cũng đánh giá lại những thành tựu trong xóa bỏ định kiến giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia trong chính trị, nâng cao cơ hội tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em với giáo dục, y tế và một số thành tựu trong việc xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật.

 

“Chúng ta cũng đưa ra một số kiến nghị với thế giới trong việc tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh như: Nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, nâng cao khả năng tiếp cận của phụ nữ, phân bổ nguồn lực hợp lý cho bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, trẻ em và tiếp tục nghiên cứu để có những mục tiêu phát triển bền vững sau 2015, lồng ghép giới trong toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Chúng ta cũng cam kết với Hội nghị Nữ nghị sĩ là sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ hơn, lồng ghép giới được trong hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi hiệu quả và quan tâm tới phân bổ nguồn lực để đảm bảo cho các mục tiêu giới của Việt Nam” – bà Trương Thị Mai nói.

 

Tại IPU-132, Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề tỷ lệ phụ nữ tham gia trong chính trị. IPU khuyến nghị phải có 30% tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan dân cử thì vai trò của phụ nữ mới có khả năng quyết định và hoạch định chính sách. Hiện tỷ lệ này của Việt Nam mới đạt 25%, chúng ta sẽ phấn đấu và cam kết sẽ đạt được 30 - 35%.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết thêm: “Hội nghị này có một điểm rất đặc biệt, đó là tổ chức một sự kiện cho nam giới nói về tầm nhìn của họ về Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Có thể nói, không thể thiếu vai trò của nam giới trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nghị viện khuyến nghị sự tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn của nam giới để thay đổi vai trò, hình ảnh của người phụ nữ và thay đổi suy nghĩ về người phụ nữ trong quá trình tham gia vào các hoạt động xã hội”.

 

Việt Nam: Biến lời nói thành hành động

 

Những mục tiêu IPU hướng tới đều bao trùm và liên quan đến phụ nữ như vấn đề phát triển bền vững, trong đó liên quan đến môi trường, kinh tế, an ninh quốc gia, chống khủng bố… Tại IPU-132, các bài phát biểu của lãnh đạo là nữ của Việt Nam như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm của Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và xây dựng một môi trường tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

 

Trao đổi với phóng viên, nữ đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, thành viên đoàn Việt Nam tại IPU-132 khẳng định, đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam trong suốt quá trình hoạt động của Quốc hội là rất rõ ràng. Đặc biệt tại IPU-132, từ việc chuẩn bị nội dung, cũng như đóng góp để đạt được mục tiêu của IPU được thể hiện rất rõ nét. Các nữ ĐBQH Việt Nam đã có sự gắn kết trong tất cả các mục tiêu cụ thể, bằng lời nói và hành động để đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

 

Nói về bình đẳng giới ở Việt Nam, bà Bùi Thị An nhấn mạnh, Việt Nam đã có bước đột phá trong vấn đề này, trong đó phụ nữ đã được bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội như chính trị, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đặc biệt theo Hiến pháp mới (2013), phụ nữ được bình đẳng việc hưởng tất cả các dịch vụ quy định.

 

Trong những năm gần đây, phụ nữ tham gia chính trường càng nhiều, tuy rằng tỷ lệ chưa được như mong muốn, song đây là sự cố gắng rất lớn của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, và sự nỗ lực của phụ nữ Việt Nam.

 

Sau chương trình nghị sự của IPU-132, Việt Nam sẽ nỗ lực để cụ thể hóa những chương trình, mục tiêu của IPU vào thực tiễn đất nước, cùng với mục tiêu của IPU-132 là lời nói đi đôi với việc làm, biến lời nói thành hành động./.