Giấc mơ giữa đời thường

08:22, 17/04/2015

Đây mà là nông thôn ư? Đường trải nhựa rộng đến 40 mét, 2 làn xe vun vút, đèn cao áp sáng trắng, biệt thự xum xuê cây trái, rừng cao su ngút ngàn… khung cảnh ấy như ở nông thôn của các nước châu Âu.

Giọng cười đầy sảng khoái, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh (Đồng Nai) liên tục gật đầu xác nhận với tôi:

          - Vâng, nhà của nông dân trồng chôm chôm đấy;

- Biệt thự của công nhân trồng cao su đấy;

- Đường của xã đấy…

Thực ra, trên đường vào thành phố Biên Hòa, chúng tôi đã “gặp” Long Khánh với tấm biển sừng sững ghi dòng chữ tự hào: Thị xã nông thôn mới. Dòng chữ đó có sức hút kỳ lạ khiến nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên không thể thờ ơ đi qua.

 

* Vùng đồng bào dân tộc ít người xưa

 

  Để bạn đọc dễ hình dung, tôi xin lược đôi nét về Long Khánh xưa. Khoảng thế kỷ 18, Long Khánh là vùng dân tộc ít người thuộc hai phủ Long An, Phước Khánh và một số buôn, sóc của đồng bào tỉnh Bình Thuận. Trải qua nhiều biến đổi, năm 2003, Chính phủ cho phép thành lập Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) với 15 đơn vị hành chính cấp xã (6 phường, 9 xã). Hiện ở Long Khánh còn mộ cổ Hàng Gòn, di chỉ Dầu Giây, Cầu Sắt, dấu vết của người xưa sinh sống 2000 năm trước. Thời chiến tranh, Long Khánh là địa bàn ác liệt, địch dội bão lửa vào đây làm vành đai che chở Sài Gòn. Với 12 ngày đêm, quân và dân ta đã đập tan “cánh cửa thép” để đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

  Sau giải phóng Miền nam thống nhất đất nước, nền tảng kinh tế - xã hội của Long Khánh gần như là con số không bởi 20 năm chiến tranh và sự tàn phá của bom đạn địch. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), Long Khánh (LK) chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển kinh tế thị trường. Đến năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,8%; tỷ lệ nhà tôn, ngói hóa trên 96%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 11 triệu đồng.

 

Hiện, thị xã LK nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với vùng kinh tế chiến lược Đông Nam Bộ, Cao nguyên và Miền trung, có nhiều tuyến đường giao thôn quốc gia; thị xã LK là đầu mối giao lưu hàng hóa với các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên. Đất đai ở đây thuận lợi phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, chôm chôm, sầu riêng…

 

* Vùng đất đẹp như mơ hôm nay

 

Chẳng cần sổ sách giấy tờ gì, trên suốt quãng đường đưa chúng tôi vào các ngõ ngách làng xóm, ông Hoàng vừa chỉ đường vừa cung cấp các con số về xây dựng nông thôn mới (NTM)  ở LK.

 

Bắt đầu từ năm 2009, hoàn thành năm 2014, LK đã đầu tư 3.220 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó ngân sách nhà nước chỉ hơn 25%, còn lại từ các nguồn khác. Riêng vốn do nhân dân đóng góp là 110 tỷ đồng.

 

- Nền tảng để LK xây dựng NTM khá vững chắc - ông Hoàng cho biết - Từ năm 2003, LK đã xây dựng nông thôn 4 có: Có đời sống kinh tế ổn định, có cơ sở hạ tầng, đời sống tinh thần phong phú và môi trường an toàn. Ngay từ ngày đó, nhiều người dân đã sẵn lòng đóng góp hàng tỷ đồng (quy ra đất, của cải khác).

 

- Điều quan trọng là vì sao người dân lại sẵn sàng đóng góp? Tôi đặt câu hỏi với ông Hoàng.

 

- Vì chính quyền tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định bằng năng suất cây trồng cao, sản phẩm có đầu ra ổn định. Hiện, giá trị thu trên 1ha đất nông nghiệp đạt 150 triệu đồng, tăng 2 lần so với năm 2009, cá biệt có vùng chuyên canh tiêu và sầu riêng đạt 250 triệu đồng/ha. Có tiền, người dân không hẹp lòng. Riêng cái cổng chào vào xã Suối Tre này là 250 triệu đồng, tiền dân góp. Chợ cũng vậy, nhà nước chỉ cắm đất, dân tự xây…

 

Xe chúng tôi rời đường lớn, đi qua các vùng sản xuất tập trung. Chôm chôm, cà phê, mít ở Bình Lộc, cây tiêu ở Hồ Quang. Riêng xã Hàng Gòn, 10 năm trước chỉ dám phấn đấu vươn lên thoát nghèo, thế nhưng đến 2014 thu nhập đã gần 36 triệu đồng/người/năm. Chương trình cây trồng chủ lực đã hỗ trợ 31 hộ ở đây chuyển đổi 37 ha đất thành vùng chuyên canh tiêu, sầu riêng, cà phê. Hiện 2 hộ nghèo còn lại của xã đang được hỗ trợ giống bò, dê để thoát nghèo bền vững.

 

Chúng tôi vào hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (tổ 8, ấp 1, xã Bình Lộc). Ông Phùng Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã đang vận hành hệ thống tưới nước tự động cho sầu riêng. Thấy khách đến, ông bấm điện thoại để… tắt nước. Hệ thống tưới bằng điện thoại di động này của ông trị giá 25 triệu đồng, được nhà nước hỗ trợ 30%. “Nếu không là hợp tác xã thì không được hỗ trợ” - ông Tâm nói.   Thành lập năm 2012, sản phẩm của HTX là chôm chôm, sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, cho lãi gần 300 triệu đồng/năm.

 

Không chỉ có ở Bình Lộc, toàn bộ chôm chôm và sầu riêng ở Long Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và có mặt ở các siêu thị trong nước. Nhiều doanh nghiệp, HTX không chỉ sản xuất mà còn thu mua nông sản của nông dân xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Thu nhập của người dân hiện đạt 38,6 triệu đồng/người/năm (2014). Riêng xã Xuân Tân đạt gần 50 triệu đồng/người.

 

 Biết chúng tôi phải trở ra Bắc, ông Hoàng tiếc nuối: Dịp này bà con Chơ Ro đang tổ chức lễ hội Sayangva “Mừng lúa mới” ở khắp các xã của LK. Do là vùng đất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên địa phương có lễ hội đặc sắc như Tả Tài Phán, Kỳ Yên, ăn Nhang… Nhiệm vụ của chính quyền là giữ gìn và phát huy những nét đẹp của món ăn tinh thần này, làm phong phú hơn đời sống của người dân LK.

 

 Tuy mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành, nhưng LK vẫn còn phải giải quyết một số vấn đề nảy sinh.

 

Hôm chúng tôi đến thăm hợp tác xã trồng ổi Xá Lỵ ở ấp Lạc Chiểu, xã Bảo Quang, được ông Đoàn Pháo phản ánh: Người cam kết tiêu thụ ổi đã “bội ước”, không thực hiện hợp đồng, 500 cây ổi đang kỳ thu hoạch của HTX chỉ dám hái lai rai bán ra thị trường tự do, giá gần 3 nghìn đồng/kg. Cầm trái ổi chắc nịch nặng gần nửa ký, thịt ổi ngọt và ròn, chúng tôi hiểu người nông dân đang cầm chắc cái lỗ với giá bán này.

 

  Rõ ràng, đạt chuẩn NTM đã là việc làm khó, duy trì bền vững và ngày càng phát triển còn khó hơn. Nhưng chúng tôi tin với tinh thần quả cảm trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước, 9 xã anh hùng, đồng thời là 9 xã NTM của Long Khánh sẽ vượt qua trở ngại phát sinh, xây dựng cuộc sống đẹp như mơ giữa đời thường.