Hãy vì hạnh phúc của chính gia đình mình

08:46, 15/04/2015

Những năm qua, các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp phối hợp tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm trong học sinh, nhưng việc thực hiện vẫn mang nặng tính hình thức, chưa có nhiều chuyển biến tích cực vì còn thiếu chế tài xử phạt nghiêm, tạo ra tâm lý coi thường pháp luật.

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh về việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Nhất là từ ngày 10-4, khi chính thức triển khai thực hiện xử phạt hành chính đối với phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông, học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; kèm với đó là các hình thức nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm...

 

Không phải đến thời điểm này, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ nhiều năm trước, những quy định này đã được đưa vào luật, văn bản dưới luật... Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa coi trọng hoặc cố tình “quên”, trong khi đó các lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở nên hiệu lực thi hành pháp luật trong cuộc sống chưa cao.

 

Mấy tuần trước, việc tuyên truyền đã được đẩy mạnh; băng rôn được căng treo trên nhiều tuyến phố; các trường học trong cả nước đã quan tâm phổ biến và yêu cầu học sinh cũng như các bậc phụ huynh thực hiện quy định này. Thông qua hình ảnh những ngày đầu xử phạt hành chính đối với các trường hợp trẻ em, học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chúng ta có thể yên tâm hơn vì ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh và phụ huynh đã có chuyển biến rõ rệt. Số phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con; tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện đã giảm hẳn.

 

 

- Từ ngày 10-4, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã đồng loạt xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện.

 

- Theo quy định, người từ 16-18 tuổi được phép điều khiển xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện. Người trong độ tuổi này khi vi phạm sẽ bị xử phạt không quá 1/2 so với mức phạt áp dụng cho người thành niên.

 

- Học sinh đủ từ 14-16 tuổi ngồi trên xe máy, xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách sẽ bị phạt bằng hình thức cảnh cáo (không phạt tiền). Lực lượng cảnh sát sẽ lập biên bản vi phạm và tạm giữ phương tiện, đồng thời phối hợp gửi thông báo về các trường học.

 

- Phụ huynh lái mô tô, xe gắn máy chở con em (đủ từ 16-18 tuổi) không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đạt chuẩn, không đúng quy cách khi tham gia giao thông thì ngoài phạt lái xe, người ngồi trên xe này cũng bị phạt (trừ người từ 6-14 tuổi). Hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng. Mức phạt này áp dụng cả đối với người điều khiển xe đạp điện (từ 16-18 tuổi).

 

Dù siết chặt kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm nhưng các chiến sĩ công an đã khéo léo kết hợp lồng ghép cả công tác tuyên truyền trong xử lý từng tình huống. Ngoài nhắc nhở các bậc phụ huynh tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để nêu gương, bảo đảm an toàn cho chính con em mình, các chiến sĩ cảnh sát giao thông còn hướng dẫn, giảng giải cho các em học sinh hiểu thêm về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Những động thái tích cực đó khiến nhiều người dân cảm thấy thân thiện, văn minh hơn, phần nào giúp "cải thiện" hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông trong mắt người dân. Và quan trọng hơn là đã không gây áp lực tâm lý đối với các em học sinh khi sử lý vi phạm.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng để tâm thực hiện. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ vẫn chưa cho con trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Và điều này cũng phần nào cho thấy việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và trên lĩnh vực giao thông nói riêng luôn là vấn đề thời sự. Cũng vì thế, trong những ngày đầu ra quân xử phạt, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng: Mức xử phạt mỗi lần vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe máy từ 100 đến 200 nghìn đồng liệu đã đủ sức răn đe? Cũng không ít bậc phụ huynh cố tình viện dẫn do bận việc nên chưa có thời gian mua mũ bảo hiểm cho trẻ, hay đưa ra nhiều lý do khác như quên hoặc nhà gần...

 

Sự thờ ơ trong việc thực hiện quy định nêu trên là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, tử vong trẻ em ở lứa tuổi học sinh vẫn tăng cao. Theo thống kê mới đây của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, trong đó, nguyên nhân không đội mũ bảo hiểm chiếm tới 50%. Một con số hết sức đáng lo ngại đối với toàn xã hội, đồng thời cũng rất đáng cảnh báo đối với các bậc phụ huynh.

 

Rõ ràng, khi các bậc phụ huynh chưa làm tròn trách nhiệm với con em mình và khi nhiều học sinh vẫn chưa ý thức được việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính mình thì xử phạt nghiêm khắc là giải pháp trước mắt và hiệu quả nhất để điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều giải pháp. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao để việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông phải trở thành ý thức của mỗi người dân, từ trẻ em cho đến người lớn.

 

Để quy định về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em thực sự trở thành ý thức, thói quen hàng ngày, trong thời gian tới vẫn rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng loạt của các nhà trường, gia đình cùng các cơ quan chức năng. Trước hết, các bậc phụ huynh hãy nhận thức sâu sắc rằng đây chính là việc làm để bảo đảm an toàn tính mạng cho con em mình, vì hạnh phúc của chính gia đình mình và tự giác thực hiện. Mỗi bậc phụ huynh hãy bằng những hành động cụ thể để bảo vệ "tương lai của đất nước", chứ không nên đẩy việc làm "của tôi", trách nhiệm "của tôi" cho xã hội.