Mô hình hiến máu hiệu quả, lâu dài ở Đồng Nai

08:15, 05/04/2015

Năm 2005, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ra đời với 20 thành viên. Qua 10 năm hoạt động, câu lạc bộ đã trở thành nơi tập hợp của những tấm lòng cao cả vì cộng đồng; thu hút nhiều gia đình nông dân tham gia, trong đó có hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã 150 lần hiến máu. Chính cái tâm, sự tích cực của các thành viên trong câu lạc bộ giúp phong trào hiến máu tình nguyện ở xã Bảo Quang phát triển mạnh mẽ, hàng năm luôn vượt chỉ tiêu về hiến máu nhân đạo từ 50% - 100%.

Ông Giang Văn Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập xã Bảo Quang cho biết: Đầu năm 2000, phong trào hiến máu nhân đạo đã được đông đảo người dân xã Bảo Quang hưởng ứng, mỗi năm, khi có đơn vị về thị xã Long Khánh tiếp nhận máu, hàng trăm người dân Bảo Quang, kể cả người dân tộc thiểu số không quản xa xôi đến thị xã cho máu. Với mục đích tập hợp những người hiến máu, nâng cao nhận thức của người dân về phong trào, năm 2005, Hội thành lập Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, từ câu lạc bộ đã hình thành những gia đình hiến máu, cặp vợ chồng hiến máu.

 

Theo bà Trần Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, thành phần tham gia câu lạc bộ có công chức, viên chức, người làm rẫy, người buôn bán nhỏ, người làm thuê. Hiện, câu lạc bộ có 68 thành viên (lúc cao điểm có hơn 100 người, song do nhiều người đi làm xa nên số lượng biến động), đây là những người thường xuyên tham gia hiến máu nhắc lại, luôn sẵn sàng hiến máu trong các trường hợp cấp bách, không kể thời gian là ngày hay đêm. Nhiều thành viên câu lạc bộ đã tham gia hiến máu trực tiếp cho các ca mổ tim ở bệnh viện Triều An (Thành phố Hồ Chí Minh); hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh khi có yêu cầu của bệnh viện.

 

Trong câu lạc bộ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với gần 40 lần hiến máu, có những gia đình dân tộc thiểu số tất cả các thành viên nhiều năm hiến máu. Điển hình như 17 người trong gia đình ông Thổ Phú (dân tộc Chơ Ro - ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang) hiến máu 150 lần, hai vợ chồng anh Thổ Điểm (dân tộc Chơ Ro - ấp 18 Gia Đình) với 69 lần hiến máu.

 

Ông Thổ Phú chia sẻ: "Người dân tộc thiểu số như chúng tôi trước đây không biết thế nào là hiến máu tình nguyện. Năm 2006, Hội chữ thập đỏ xã đến tận nhà giảng giải cho tôi về phong trào hiến máu, tôi đi hiến và thấy sức khỏe mình vẫn bình thường, tôi nhận ra hiến máu có lợi chứ không có hại. Từ đó, tôi vận động cả 16 thành viên trong gia đình tham gia hiến máu, tôi cũng giải thích về hiến máu cứu người cho bà con dân tộc thiểu số trong ấp, nhiều người nhiệt tình hưởng ứng".

 

Ông Thổ Phú tâm niệm: “Những năm qua, chính quyền cùng các tầng lớp xã hội đã trợ giúp chúng tôi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, gia đình tôi hiến máu để giúp những người không may mắn; xem việc hiến máu như một việc đóng góp, trách nhiệm của mình với xã hội”.

 

Để thu hút người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vào Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, Hội chữ thập đỏ cùng chính quyền xã Bảo Quang luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân; kiên trì giải thích cho họ hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo.

 

Bà Trần Kim Oanh tâm sự: “Số lượng máu trong cộng đồng rất lớn, song không phải ai cũng sẵn sàng hiến tặng. Có những gia đình chúng tôi phải vận động, thuyết phục nhiều lần họ mới tham gia. Để cộng đồng hưởng ứng phong trào, bản thân những người làm công tác này cũng phải là người tiên phong đi trước. Có những lúc đang đêm, Bệnh viện đa khoa Long Khánh cần máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân, người của Hội chữ thập đỏ xã cũng như Câu lạc bộ hiến máu phải tình nguyện đi trước. Người dân họ thấy mình làm những việc thiết thực, cụ thể thì họ hăng hái tham gia phong trào”.

 

Theo Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang là một trong những câu lạc bộ hiến máu ra đời đầu tiên, hoạt động hiệu quả ở Đồng Nai; tập hợp trong câu lạc bộ là những cặp vợ chồng, những gia đình hiến máu. Việc hình thành câu lạc bộ hiến máu ở các xã, phường là điều có thể làm được. Tuy nhiên, để câu lạc bộ thu hút đông đảo người dân, hoạt động hiệu quả, lâu dài thì những người làm công tác nhân đạo cùng các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền phong trào hiến máu và đi đầu trong công tác này; quan tâm giải quyết những khó khăn, thường xuyên gần gũi với người dân./.