Nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

14:29, 09/04/2015

Ngày 9-4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về hội nhập kinh tế quốc tế của Ngành Nông nghiệp và PTNT. Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham gia của các sở, ngành liên quan (ảnh).

Tại Hội nghị, đại diện Bộ NN-PTNT đã trình bày khái quát thời cơ, thách thức và đưa ra những khuyến cáo, định hướng chiến lược đối với một số ngành hàng nông, lâm, thủy sản và thị trường xuất nhập khẩu quan trọng mà Việt Nam phải thực hiện khi triển khai 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, gồm:  FTA Asean, FTA Asean - Trung Quốc; FTA Asean - Ấn Độ, FTA Asean - Úc/New Zealand, FTA Asean - Hàn Quốc; FTA Asean - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, một số thuận lợi được đưa ra là: Tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh nông, lâm, thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; thay đổi tư duy và hệ thống quản lý ngành.

 

Đối với thách thức, đầu tiên phải kể đến đó là gia tăng cạnh tranh sẽ khiến một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp bị thu hẹp; phát sinh tranh chấp thương mại; chậm điều chỉnh cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội thị trường và phát huy lợi thế so sánh của các vùng; năng lực cạnh tranh thấp ở cấp quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, khiến hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững.

 

Với quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, là công cụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia cũng như ngành NN-PTNT, Bộ đã đề ra mục tiêu chung đến năm 2030 đó là phát huy toàn diện vai trò hội nhập kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường nhằm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập người dân. Theo đó, nhiều nhóm giải pháp sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới, gồm: Nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động hội nhập; nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản và doanh nghiệp; tổ chức xây dựng lực lượng tham gia các tổ chức, liên minh quốc tế; cải cách thể chế, quản lý bộ máy nhà nước; điều chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập...

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đưa ra những khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ gặp phải, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ để việc hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN-PTNT đạt hiệu quả cao.