Quản lý, giám sát chặt các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã

09:10, 26/04/2015

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện có 470 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã với số lượng 15.615 cá thể. Các cơ sở này đã được đưa vào quản lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo đúng quy định. Các hoạt động xuất nhập khẩu động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã đều được Chi cục Kiểm lâm đến các Hạt kiểm lâm quản lý chặt chẽ từ khâu kiểm tra, giám sát, xác định nguồn gốc, chủng loại, số lượng loài đưa vào gây nuôi đến khâu xác nhận trong lưu thông, xuất khẩu theo đúng quy định.  

Theo ông Mai Văn Chuyên, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết: Trong số 470 cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã có tới 125 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm với 11.873 cá thể như hổ, gấu ngựa, rùa câm, kỳ đà… Việc nuôi sinh sản, sinh trưởng các động vật hoang dã đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm và là nguồn phát triển kinh tế cho các hộ dân. Điển hình như các gia đình: ông Bùi Chí Thể, xã Thạch Thọ, huyện Thạch Thành, nuôi nhím, lợn rừng, hươu; ông Đinh Văn Quyền ở xã Yên Sơn, huyện Thạch Thành; bà Đặng Thị Oanh ở xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa nuôi rắn hổ mang… đã mang về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã cũng góp phần giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên của đồng bào dân tộc khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa để b án cho các nhà hàng.

 

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn do chi phí nuôi động vật hoang dã tốn kém; thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm giảm mạnh khiến nhiều hộ dân không mặn mà với việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã. Trong năm 2014 đã có 239 cơ sở ngừng nuôi động vật hoang dã và đã giảm 2.077 cá thể động vật hoang dã./.