Thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

11:20, 24/04/2015

Trong những năm qua, đô thị T.P Thái Nguyên tiếp tục phát triển cả về quy mô và diện mạo, xứng tầm là đô thị loại 1, trực thuộc tỉnh. Có được kết quả này là do Thành phố rất nỗ lực trong thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ.

Những ngày này, Ban quản lý Dự án Chương trình đô thị Miền núi phía Bắc T.P Thái Nguyên khá bận rộn với công việc triển khai các hạng mục xây dựng công trình phát triển đô thị. Dự án Chương trình đô thị Miền núi phía Bắc có tổng  mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng ( cho cả 2 giai đoạn), thuộc vốn vay của Ngân hàng thế giới WB. Giai đoạn 1 được đầu tư gần 500 tỷ đồng, gồm 5 hạng mục: Cải tạo hạ tầng khu dân cư (KDC) phố Cột cờ, phường Trưng Vương; cải tạo KDC tổ 4,5,6 phường Hoàng Văn Thụ; cải tạo hồ Xương Rồng 2; xây dựng Trường Mầm non Đồng Quang; nâng cấp đường Việt Bắc (giai đoạn 1), dự kiến năm 2016 sẽ hoàn thành. Cùng với đó, các  hạng mục của Dự án giai đoạn 2 cũng đang bắt đầu được khởi động với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Xây dựng cầu Bến tượng; nâng cấp đường Việt Bắc (giai đoạn 2); nâng cấp cầu Tân Long; cải tạo hạ tầng KDC phố 19-8, phường Trưng Vương; cải tạo tuyến mương thoát nước thải ở các KDC; xây dựng hạ tầng khu tái định cư Việt Bắc; ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị một số tuyến đường.

 

 Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết: Nguồn vốn của Dự án chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường và nâng cao mức sống cho người dân để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Về tiêu chí để để được xét thụ hưởng Dự án trên nói riêng và dự án có vốn đầu tư nước ngoài nói chung là rất khắt khe, phía đối tác thành lập tổ chức điều tra độc lập về khả năng thực hiện Dự án, chẳng hạn khả năng tạo quỹ “đất sạch” để thực hiện Dự án, tính minh bạch tài chính, mức độ hưởng thụ của người dân đến đâu... nhưng Thành phố đã đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chí đưa ra và được đối tác chấp thuận đầu tư . Bên cạnh Dự án Chương trình đô thị Miền núi phía Bắc Thành phố cũng đang triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên cũng bằng vốn ODA của Cộng hòa Pháp, với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 12-2015 sẽ hoàn thành.

 

Cùng với các nguồn vốn vay nước ngoài, trong những năm qua, Thành phố đã thu hút gần 9.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách của các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng đô thị (các doanh nghiệp chủ yếu xây dựng các khu dân cư, hạ tầng giao thông). Đến nay, nhờ vào thu hút các nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp, nhiều khu đô thị mới đã và đang được đầu tư xây dựng với hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hiện đại như: Khu dân cư sinh thái kiểu mẫu tổ 2, phường Túc Duyên; Khu đô thị Xương Rồng; Khu liên hợp Trung tâm hội chợ xúc tiến thương mại ngành Xây dựng kết hợp với khu ở cao cấp Picenza - Plaza; Khu dân cư cao cấp và dịch vụ thương mại tổng hợp thuộc khu dân cư số 6, phường Túc Duyên; Khu đô thị Thái Hưng; Khu trung tâm hành chính, tái định cư xã Phúc Hà….Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào các dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại hiện đại như: Trung tâm thương mại Minh Cầu, phường Hoàng Văn Thụ; Trung tâm thương mại Đông Á (Đông Á Plaza) tại phường Đồng Quang… hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 20 dự án xây dựng Trung tâm thương mại được tỉnh, thành phố chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài việc thực hiện đúng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp do Trung ương, tỉnh quy định, thành phố cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn thành phố trong điều kiện có thể như: ưu tiên những vị trí quỹ đất sinh lời cao, phối hợp để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ "đất sạch" cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Ông Vũ Đức Tư, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển Thái Nguyên chia sẻ: Công ty hiện đang thực hiện 3 Dự án phát triển đô thị tại T.P Thái Nguyên. Trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án, chúng tôi luôn nhận được sự tạo điều kiện, giúp đỡ từ các cấp chính quyền, đặc biệt trong khâu giải phóng  mặt bằng.

 

Được biết, từ năm 2010, T.P Thái Nguyên đã dành hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện 16 dự án xây dựng hạ tầng các khu dân cư; 30 dự án cải tạo, nâng cấp, tu bổ cầu, cống, đường dân sinh và 14 dự án xử lý hệ thống cấp thoát nước thành phố. Theo lãnh đạo thành phố, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí từ ngân sách cấp để phát triển hạ tầng đô thị thì không thể đáp ứng nổi so với nhu cầu đặt ra hiện nay, chính vì vậy chủ trương của thành phố là tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách bằng việc tạo cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh và xây dựng hạ tầng tại thành phố.