Trở lại chiến trường xưa

14:53, 23/04/2015

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đặc biệt, kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Sư đoàn 470 (15-4-1970/15-4-2015), trong 10 ngày (từ 11 đến 21-4) chúng tôi cùng đoàn cựu chiến binh Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Thái Nguyên do ông Đào Công Vượng, Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã có chuyến hành hương thăm lại chiến trường xưa- mảnh đất Tây Nguyên một thời khói lửa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong chuyến đi này, Đoàn Thái Nguyên có 177 người tham gia, trong số họ đa phần là cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây nguyên và một số là thân nhân các liệt sĩ đang nằm yên nghỉ nơi đây. Mặc dù từ đây vào Đắk Lắk, Đoàn phải đi mất 10 ngày, để đi được nhiều nơi, gặp mặt được nhiều đồng đội cũ, đoàn đã tranh thủ thời gian ngày đi, đêm nghỉ. Tuy các cựu chiến binh đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe không còn dẻo dai như tuổi thanh xuân, nhưng ai cũng háo hức, khỏe khoắn lạ thường. Ngồi trên xe, mỗi người một tâm trạng, nhớ về kỷ niệm một thời chiến đấu. Một số người vui quá, cứ thay nhau hát những bài ca cách mạng được sáng tác trong những năm chiến đấu gian khổ quyết liệt nhất; kể cho nhau nghe những kỷ niệm sâu sắc ở các chiến dịch mình đã từng tham gia chiến đấu.

 

Theo lịch trình, trong thời gian 10 ngày, Đoàn đã đến dâng hương viếng mộ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thăm chiến trường xưa, viếng mộ các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang: Buôn Mê Thuột, thành cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc; thăm một số danh lam thắng cảnh ở các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, trọng tâm là dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 470 anh hùng.    Đây là Sư đoàn được thành lập từ năm 1970, đứng trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, 3 nước Đông Dương, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng: là đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chấp hành Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngày 15-4-1970, Sư đoàn 470 được thành lập tại khu rừng Nậm Pa, thuộc tỉnh Atôpơ (Nam Lào), là Sư đoàn đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh, Sư đoàn 470 gồm nhiều lực lượng, binh chủng hợp thành. Sư đoàn thành lập có nhiệm vụ đánh địch, mở đường, đảm bảo giao thông, vận chuyển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường B3, B2; giúp Cách mạng Lào, Campuchia xây dựng lực lượng. Suốt những năm chiến tranh, các lực lượng Sư đoàn gồm: bộ đội công binh với truyền thống “mở đường thắng lợi”; lực lượng vận tải với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; các chiến sỹ giao liên với “đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm” đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự chi viện cho chiến trường ba nước Đông Dương giành thắng lợi. Ngày nay, Sư đoàn 470 trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong Binh đoàn 12 với giá trị doanh thu hàng năm đạt mức tăng trưởng 20 đến 30%; lợi nhuận bình quân đạt 1,5 đến 2% doanh thu trở lên. 

 

Trong ngày Lễ kỷ niệm, các cựu chiến binh từ mọi miền đất nước: Nam Định, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đều có mặt. Trên gương mặt mọi người không giấu nổi niềm vui, sự xúc động khi gặp lại nhau để ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa; chứng kiến những đổi thay của vùng đất Tây Nguyên một thời lửa đạn nay đã thay da đổi thịt và trở thành một trọng điểm vùng kinh tế; sự trưởng thành của Sư đoàn 470 anh hùng.

 

Thăm lại chiến trường xưa, một trong số những địa danh gây nhiều ấn tượng sâu sắc với các cựu chiến binh vẫn là thành phố Buôn Mê Thuột, một thời khói lửa, sau 40 năm giải phóng, Thành phố Buôn Ma Thuột đã đổi thay nhanh chóng, với kinh tế  - xã hội phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng cao, xứng đáng là đô thị trung tâm không chỉ của tỉnh Đắk Lắc mà còn của cả  vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió.Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố giai đoạn  2011-2013, bình quân  tăng 14,5%, trong đó: Công nghiệp - Xây dựng: 14,3%; Dịch vụ: 17%. Nông - Lâm nghiệp: 2,02%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của Thành phố đến cuối năm 2013 là: Công nghiệp - Xây dựng chiếm 44,62%; Dịch vụ chiếm 48,58%; Nông - Lâm nghiệp chiếm 6,7%. GDP bình quân đầu người ước đạt: 45,2 triệu đồng/năm. Tiếp đó là cửa khẩu Bờ Y, thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nối liền với tỉnh Attapu của đất nước Lào xinh đẹp- là ngã ba biên giới thứ hai của Việt Nam và có cột mốc với 3 mặt quay về 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia.

 

Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh bồi hồi nhớ lại: Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng chi viện cho chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên rất ác liệt. Để ngăn chặn sự tiếp tế vũ khí, đạn dược của ta, giặc Mỹ cho máy bay chà sát liên tục để phát hiện mục tiêu và ném bom chặn đường tiếp tế. Nơi đây, Tiểu đoàn pháo cao xạ D94F470 của chúng tôi đã từng chiến đấu ở khu vực này, có nhiệm vụ thu hút hỏa lực của địch nhằm chia lửa với công binh để bảo vệ các đoàn xe của ta vận chuyển trên tuyến đường này. Tại đây Tiểu đoàn tôi đã có 3 người hy sinh và nhiều đồng chí bị thương. Sau 40 năm trở lại tôi rất xúc động, mảnh đất đã từng bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt nay quê hương Kon Tum đã thay đổi rất nhiều. Màu xanh của cây trái ngút ngát, không còn thấy dấu tích nham nhở của những hố bom ngày nào”. Tại Thành cổ Quảng Trị, trong lòng mỗi cựu chiến binh không quên được cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, là cuộc chiến đấu cam go nhất của cuộc kháng chiến. Mỗi tấc đất ở đây đã thấm đẫm biết bao xương máu của các chiến sĩ,đồng bào, nhưng cũng vùi không biết bao nhiêu xác quân thù.

 

Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Quảng Bình, Đoàn đã kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương thơm dâng lên Đại tướng với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn. Viếng liệt sỹ tại các nghĩa trang, trong nỗi nhớ khôn nguôi, trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, những cựu chiến binh đã thầm mong đồng đội yên giấc ngàn thu và hứa sẽ luôn giữ vững phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ trong bất cứ hoàn cảnh nào để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh- những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

 

Chuyến hành trình trở lại chiến trường xưa của Đoàn là hoạt động có ý nhĩa nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đối với mỗi cựu chiến binh. Đây không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống thành lập của Sư đoàn mà còn là dịp ôn lại những kỷ niệm năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng; dịp tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc; chứng kiến những đổi thay của đất nước qua 40 năm miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đây còn là niềm động viên, cổ vũ lớn lao để các cựu chiến binh viết tiếp truyền thống anh Bộ đội cụ Hồ nêu gương sáng trong cuộc sống đời thường, chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.