Theo như dự báo, kinh tế Việt Nam dưới sự điều hành quyết liệt, đúng hướng của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, trong đó đắc biệt là triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển…
Vì vậy, kinh tế đất nước tiếp tục duy trì tăng trưởng theo kế hoạch; lạm phát tiếp tục được kiềm chế; kinh tế vĩ mô ổn định; các doanh nghiệp đang từng bước thoát dần khó khăn, ổn định và mở rộng sản xuất…
Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam được đánh giá nhiều tiến bộ, trong đó nổi bật là tiếp tục duy trì nhịp độ thu hút đầu tư phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định, giải ngân vốn FDI đạt mức cao hơn cùng kỳ năm trước. Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì tính đến ngày 20-5, cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,95 tỷ USD và 210 lượt dự án được đăng ký vốn tăng thêm là 1,34 tỷ USD, tương đương 72,9% và 80,6% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm là 4,29 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều tiến bộ. 5 tháng đầu năm đã giải ngân được 4,95 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất với 269 dự án đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn, đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tống vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đã vươn lên vị trí thứ 3 với 92 dự án đăng ký đầu tư mới và 19 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 234,1 triệu USD. Hàn Quốc vẫn tiếp tục là đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay với số đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD chiếm 25,7% tổng vống đầu tư FDI vào Việt Nam; tiếp đó là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có các dự án, vốn đầu tư khá nhiều vào Việt Nam từ đầu năm tới nay.
Nguồn vốn FDI trong 5 tháng đầu năm nay cũng được rải trên 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó T. P Hồ Chí Minh là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 983,5 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo sau là Đồng Nai, Hải Phòng có vốn đầu tư FDI đứng thứ 2 và thứ 3; vùng Tây Nguyên là nơi có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất trong cả nước, 5 tháng đầu năm mới chỉ thu hút được 17,43 triệu USD, chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một điểm sáng đáng chú ý nữa đó là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo thông tin của Tổng cục Hải Quan thì tính đến ngày 15-5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt 115,87 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Về xuất khẩu, tính đến 15-5 kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 56,09 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.