Khai thác triệt để hỗ trợ của công nghệ thông tin

10:45, 05/05/2015

Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cấp các ngành đã và đang quyết liệt tiến hành cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để bảo đảm hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên các lĩnh vực.

Theo xếp hạng cạnh tranh toàn cầu do WEF công bố tháng 9 năm 2014, Việt Nam xếp thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với trước đó và đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Các chỉ số của nước ta dù có được cải thiện nhưng đều ở thứ hạng thấp, không có chỉ số nào vượt quá thứ hạng 50, trừ duy nhất chỉ số về quy mô thị trường có xếp hạng tốt (thứ 34).

 

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của toàn xã hội. Việc ứng dụng và phát triển CNTT, truyền thông đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của cả xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như doanh nghiệp. Cùng với khai trương giao diện Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, giao diện cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã được hình thành và đi vào hoạt động. Đó là tín hiệu rất tích cực trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta.

 

Trên địa bàn tỉnh, Cổng thông tin điện tử đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải những nguồn tài nguyên thông tin giữa các cơ quan nhà nước và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của người dân và duy trì tốc độ tăng trưởng. Bộ thủ tục hành chính đã dần được triển khai ở các cấp theo từng mức độ quy định.

 

Gần đây nhất, sau một thời gian nỗ lực thực hiện, đến nay chúng ta đã giảm được số giờ tuân thủ về thuế gần 370 giờ/năm; tới đây sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm để đạt được mục tiêu còn 171 giờ thủ tục về thuế trong năm 2015. Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ngành đang quyết tâm đến cuối năm nay sẽ giảm số giờ thực hiện thủ tục xuống còn 49,5 giờ, bằng mức bình quân của các nước ASEAN 6. Tỉnh ta cũng đã ra chỉ thị về việc kê khai, nộp thuế qua mạng Internet, phấn đấu đến 30-9 năm nay đạt  tỷ lệ 90% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng Internet.

 

Như vậy có thể thấy, cản trở không phải ở thể chế, luật pháp hay quy định, quy trình mà chính ở quyết tâm ở mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cán bộ, công chức. Trong giai đoạn CNTT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu ứng dụng tốt CNTT thì cán bộ, công chức không cần phải tiếp xúc với ai vẫn có thể hoàn thành được các TTHC giúp người dân, doanh nghiệp. Đó chính là cái đích của một Chính phủ điện tử. CNTT sẽ thay thế các thủ tục trực tiếp. Và chắc chắn, khi thủ tục được giảm bớt thì “mảnh đất” cho tiêu cực, phiền hà, tham nhũng cũng sẽ "khô cằn" đi. Đó thực sự là một cuộc cách mạng, dù rằng tự thay đổi mình là không phải là đơn giản.

 

Hiện nay, các cấp các ngành đều thấu hiểu và thống nhất giải pháp của các giải pháp để cải cách hành chính lúc này chính là áp dụng CNTT. Đơn cử nếu như ngành thuế thực hiện được việc ứng dụng CNTT để thực hiện nộp thuế qua mạng thì chắc chắn những tiêu cực, phiền hà mà người dân, doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt sẽ được hạn chế tối đa. Và quan trọng hơn, điều đó còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - yếu tố sống còn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

 

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu năm 2015 phải tạo được những chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; coi đó là một khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành.

Trong phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ những “địa chỉ” dễ xảy ra tham nhũng, trong đó đứng đầu là đất đai; sau đó là sử dụng ngân sách, thu ngân sách (thuế, hải quan) tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát, mất mát; chi ngân sách qua hoạt động mua sắm, đầu tư công cũng gây nhức nhối. Để ngăn chặn tham nhũng trong các lĩnh vực trên, Thủ tướng cho rằng nếu chính sách rõ ràng, các quy định về TTHC được thực hiện công khai, minh bạch thì chắc chắn tham nhũng sẽ giảm.

 

Cải cách TTHC không chỉ giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà còn tăng lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, nhất là lòng tin đối với bộ máy quản lý nhà nước. Đặc biệt, cải cách hành chính sẽ giúp phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn. Nếu giảm bớt được một TTHC không cần thiết là đã góp phần giảm thêm một nguy cơ tham nhũng.

 

Từ trước đến nay, nhiều cơ quan chức năng vẫn có tư duy “quản” là chính chứ không nghĩ đến việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền. Bởi vậy, chúng ta cần đổi mới, nâng cao nhận thức trong công tác quản lý và quyết tâm triển khai thực hiện. Phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người yếu kém về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực không còn phù hợp. Đặc biệt, mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước yêu cầu cải cách đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết.