Nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao mấy ngày nay được xem là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Mặc dù chỉ mới bước vào mùa nắng nhưng đã xảy ra cháy rừng ở khá nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước.
Điều này cho thấy nguy cơ cháy rừng đang tiến tới đỉnh điểm, nhất là dự báo sẽ có một đợt nắng nóng mới tăng cường. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung bốn tháng đầu năm nay, diện tích rừng cả nước bị thiệt hại là 785ha, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 534ha. Có thể điểm qua mấy vụ cháy rừng xảy ra thời gian gần đây như: Hơn 2.000m2 rừng tại tiểu khu 1807 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông; hơn 0,6ha rừng thông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sê-rê-pốk và ít nhất 3ha rừng thông thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tỉnh Gia Lai; hơn 10ha rừng tràm ở Cà Mau; trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, trong đó liên tiếp 2 ngày gần đây (25 và 26-5) đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại huyện Thanh Chương và Nam Đàn. Từ đầu năm đến nay, đã có 14 vụ cháy đồng cỏ và cây rừng phân tán xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Mặc dù lực lượng kiểm lâm đã có ý thức trong công tác chuẩn bị phương án phòng, chống cháy rừng; nhân dân tại các địa phương xảy ra cháy rừng đã được huy động kịp thời, nhưng vì thời tiết quá nắng nóng nên việc cứu chữa vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các vụ cháy rừng lại đều do yếu tố chủ quan, do một bộ phận người dân thiếu ý thức; cơ quan thường trực lơ là, mất cảnh giác trong công tác bảo vệ rừng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các địa phương về phòng cháy, chữa cháy rừng mặc dù đã có sự chủ động nhưng chưa đi vào thực chất, ý thức bảo vệ rừng vẫn còn đang bị xem nhẹ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 179.000ha rừng, trong đó có trên 45.000ha rừng phòng hộ; 36.000ha rừng đặc dụng; rừng sản xuất. Nhiều địa phương có rừng cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao. Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên luyện tập, bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy nhằm đáp ứng những tình huống cháy rừng có thể xảy ra; tăng cường cử cán bộ xuống địa bàn, đẩy mạnh tuần tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, nhất là những địa bàn giáp ranh.
Trên cở sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các địa phương đã triển khai tập huấn, tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng; phân công cán bộ thường trực để sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng. Chú trọng nâng cao hiệu quả các phương án phòng, chống; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tới mọi người dân, đồng thời đề nghị các chủ rừng cam kết phòng, chống cháy rừng khi tham gia trồng mới, khoanh nuôi tái sinh; quản lý chặt chẽ việc khai thác lâm sản; kiện toàn lực lượng kiểm lâm; quan tâm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia ứng phó kịp thời.
El-Nino là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người từ hơn 5000 năm nay. Khi xuất hiện, El-Nino thường gây ra thiên tai nặng nề như mưa, bão, lũ, hạn hán, cháy rừng, làm thiệt hại về người và tài sản và đặc biệt là những thiệt hại khó có thể khắc phục về môi trường. Ngày nay, hiện tượng El Nino xuất hiện thường xuyên hơn và sức tàn phá của nó cũng mãnh liệt hơn. |
Năm nay được đánh giá là hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt, kéo dài; lượng mưa giảm so với trung bình nhiều năm. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tất cả các tỉnh từ miền Bắc đến khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, hầu hết diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp độ nguy hiểm. Do đó, hơn lúc nào hết, ngành lâm nghiệp, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương có rừng và người dân cần chủ động, nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng.
Ðể công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả, chính quyền các địa phương có rừng, ngành lâm nghiệp, các lực lượng chức năng cần coi trọng hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Cùng với việc chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, một việc hết sức quan trọng là nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và các hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; chủ động và thường xuyên nâng cao ý thức của cả cộng đồng xã hội trong phòng, chống cháy rừng, góp phần làm hạn chế tới mức thấp nhất cháy rừng.
Cùng với các hoạt động nêu trên, các cấp, các ngành chức năng cần nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống cháy rừng một cách khoa học, hợp lý hơn. Đám cháy mạnh, nếu người vào để dập lửa là điều khó khả thi. Quan trọng là chúng ta phải làm thế nào ngăn chặn kịp thời để lửa không lan ra vùng khác. Phương tiện trang bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy cũng cần phải đổi mới, phù hợp hơn, hiện đại hơn.