Theo lộ trình của các nhà lãnh đạo ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, tức là sớm hơn dự kiến ban đầu tới 5 năm.
AEC được thành lập, những ưu tiên trong quan hệ hợp tác kinh tế sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Hàng nông sản; ô tô; điện tử; nghề cá; sản phẩm từ cao su; sản phẩm từ gỗ; sản phẩm dệt may; vận tải hàng không; thương mại điện tử; chăm sóc sức khoẻ; du lịch… Về các yếu tố chủ chốt mà AEC sẽ có những ưu tiên mạnh mẽ đó là: Chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ; phát triển cơ sở hạ tầng; hệ thống thuế và thương mại điện tử; từng bước xoá bỏ hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan; chấp nhận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất và phân phối quốc tế tối ưu. Theo dự báo, nếu thực hiện tốt, khi AEC ra đời có thể thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực, hướng tới sự thịnh vượng chung, trong đó việc làm sẽ ngày càng nhiều hơn, theo đó đến khoảng 2015 sẽ tạo thêm khoảng 14 triệu việc làm mới. Sự hội nhập kinh tế ASEAN cũng sẽ mang lại những lợi ích to lớn trong các ngành Xây dựng, Thương mại, Vận tải. Năng xuất lao động của các ngành này dự báo sẽ tăng lên khoảng 2 lần so với tăng năng suất lao động của ngành nông nghiệp. Cơ hội việc làm tăng, tuy nhiên khi mà sự cạnh tranh trở nên bình đẳng và hội nhập trong toàn khu vực thì chất lượng lao động có tính chất quyết định đến lợi thế cho mỗi quốc gia trong AEC.
Tại Việt Nam, tuy số lượng lao động nhiều, nhưng chất lượng lao động còn kém so với một số quốc gia trong khu vực. Lao động chưa qua đào tạo còn nhiều vì vậy tính cạnh tranh thị trường lao động của Việt Nam sẽ không cao. Bởi thế khi tham dự AEC, Việt Nam cần phải coi trọng nâng cao chất lượng lao động qua tăng cường liên kết đào tạo kỹ năng, trình độ tay nghề cho lao động để không bỏ lỡ cơ hội tìm việc làm. Khi tham gia AEC, nền kinh tế Việt Nam cũng bắt buộc phải có những thay đổi, nhất là về thị trường và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó trong lĩnh vực thuế sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, tạo điều kiện cho xuất khẩu thuận lợi, thu hút đầu tư để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng sẽ phải đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay những doanh nghiệp lớn đã và đang có những bước chuẩn bị khá tốt cho việc tham gia AEC, nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vẫn còn khá khó khăn trong chuẩn bị các điều kiện để có thể hoạt động hiệu quả khi AEC được thành lập. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì hiện nay có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thờ ơ và chưa biết phải làm gì khi AEC đang cận kề.
Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng AEC thành lập sẽ mang lại một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các thành viên, thúc đẩy chu chuyển, tự do hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và lao động trong khối. Những thuận lợi đó do AEC mang lại chắc chắn sẽ tạo sự phát triển mới cho nền kinh tế trong ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Vậy nên việc tận dụng cơ hội, những lĩnh vực ưu tiên do AEC mang lại là rất cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam.