Viết tiếp câu chuyện về Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân

18:34, 04/05/2015

Vậy là sau 40 năm kể từ ngày Anh ngã xuống tại Rừng đước U Minh Thượng, ngày 9-10-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có Quyết định số 2557 truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) cho Anh.

Việc Đảng, Nhà nước ghi nhận công trạng và truy tặng Danh hiệu cao quý này đã đáp ứng niềm hy vọng, mong mỏi của gia đình, đồng đội cũ của Anh và cả chúng tôi - những người làm báo quê nhà. Và, đúng vào dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại có mặt tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang và T.P Hồ Chí Minh để viết tiếp câu chuyện về Anh - Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân.

 

Anh Vũ Xuân sinh ngày 25-4-1946, lớn lên tại Tiểu khu Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Nhập ngũ ngày 3-7-1963, trước lúc hy sinh, Anh là Chính trị viên Tiểu đoàn 2311, Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng miền Nam (nay là Lữ đoàn Pháo binh 6 thuộc Quân khu 9). Kể từ ngày nhập ngũ đến lúc hy sinh, Vũ Xuân đã 3 lần hành quân vào Nam chiến đấu với hơn 10.000 cây số xuyên rừng, lội suối, tới những chiến trường khốc liệt nhất. Con đường hành quân Anh qua là Thái Nguyên, Sơn Tây, Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, xẻ dọc Trường Sơn sang Lào, Stungtreng, Crachiê, Công Pông Chàm, Công Pông Chnăng, Campot, Tà Keo (Campuchia), Châu Đốc, U Minh Thượng… Anh đã tham gia những chiến dịch lớn, các chiến trường Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, rồi dừng chân nhiều năm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong trận quyết chiến tiêu diệt đồn Kênh 2, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) sáng ngày 13-5-1974, người Chính trị viên Tiểu đoàn ấy đã dũng cảm dùng B40 tiêu diệt đồn thù và Anh cũng đã trúng đạn kẻ thù, anh dũng hy sinh. Sự ra đi đầy quả cảm của Vũ Xuân đã để lại sự khâm phục, niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng đội, đồng bào nơi Anh đóng quân và sau này là gia đình, bạn bè của Anh.

 

Nhà báo Phan Hữu Minh, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Thái Nguyên; Đại tá Đỗ Hà Thái, bạn chiến đấu của Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân cùng người nhà thăm lại nơi Anh hy sinh tại Kênh 2, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

 

Sau 6 năm nằm lại nơi Rừng đước U Minh, Anh được đồng đội chuyển hài cốt về Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Lim quê nhà. Vũ Xuân, chàng trai 28 tuổi đời, 11 tuổi quân trước lúc anh dũng hy sinh đã để lại cuốn Nhật ký ghi lại hành trình tham gia quân ngũ, những tư tưởng, hành động của một lớp người không ngại gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Câu nói nổi tiếng của Anh ghi trong Nhật ký được coi là phương châm hành động của nhiều lớp người: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước ” và thế hệ đánh Mỹ của chúng ta có trách nhiệm bàn giao nguyên vẹn giang sơn gấm vóc tươi đẹp này cho thế hệ tiếp theo…

 

*

 

*          *

 

Chúng tôi đã hành trình theo cuốn Nhật ký để mô tả lại cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh của những lớp người từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đó có Liệt sĩ Vũ Xuân. Sau 10 năm kể từ ngày phát hiện ra cuốn Nhật ký quý giá, nhiều bài báo, thước phim về cuốn Nhật ký, về Liệt sĩ Vũ Xuân đã đến với độc giả, khán thính giả. Nhưng những người làm báo như chúng tôi vẫn canh cánh về một điều chưa thành hiện thực đó là Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho người Liệt sĩ quả cảm này. Bằng lương tâm và trách nhiệm, cũng đã hơn một lần chúng tôi đề nghị với đơn vị cũ của Anh là Đoàn 6 Pháo binh về vấn đề này, gặp gỡ nhiều nhân chứng là đồng đội của Vũ Xuân để tâm sự, đề nghị các đồng chí quan tâm…

 

Ngày 16-4-2015, Đại tá Trần Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) thông báo với tôi qua điện thoại: Lữ đoàn sẽ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Chính trị viên Tiểu đoàn 2311 Vũ Xuân. Anh Sơn nói đã gửi giấy mời và đề nghị chúng tôi cố gắng vào dự buổi Lễ quan trọng này. Chúng tôi sắp xếp lên đường vào T.P Long Xuyên, tỉnh An Giang - nơi Lữ đoàn đóng quân.

 

*

 

*          *

 

Lại nói câu chuyện của 40 năm qua. Vũ Xuân nhập ngũ năm 1963, hy sinh ngày 13-5-1974. Sau 6 năm nằm lại Rừng đước U Minh Thượng, có gió rừng ru ngủ và tiếng sóng vỗ của con nước lớn, nước ròng, Anh đã được bạn chiến đấu là  Đỗ Hà Thái lặn lội ra Bắc vào Nam, vì lời hứa với bạn mà tìm mọi cách đưa hài cốt Vũ Xuân về quê nhà Thái Nguyên. Nghĩa cử ấy của anh Đỗ Hà Thái được báo chí và đồng đội khâm phục. 30 năm sau, một mảng đề tài quan trọng thuộc về ký ức chiến tranh được nói đến - đó là những cuốn nhật ký. Anh Thái còn giữ được một số kỷ vật của Liệt sĩ Vũ Xuân, trong đó có cuốn Nhật ký. Khác với các cuốn Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Vũ Xuân có tầm tư tưởng của một Chính trị viên Tiểu đoàn. Sau khi được anh Thái gửi đi xuất bản, cuốn Nhật ký - kỷ vật chiến tranh của người con Thái Nguyên - đã nhanh chóng trở thành tài liệu tuyên truyền vào những năm 2005-2008. Rồi từ chất liệu của cuốn Nhật ký, chúng tôi đã làm cuộc hành trình theo bước chân của thế hệ Vũ Xuân. Và rồi 8 tập của bộ phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” ra đời. Trên sóng VTV1 trong 8 năm qua đã chiếu 7 lần, hàng chục Đài Truyền hình trong cả nước cũng đã phát bộ phim này nhiều lần. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Vì sao tấm gương hy sinh dũng cảm của Vũ Xuân lại chưa được đề nghị Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND? Để trả lời câu hỏi ấy, 8 năm qua là những cuộc trao đổi, bàn luận, rồi cả những lá đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền...

 

Ngày 27-4-2015, được gặp ở Lữ đoàn Pháo binh 6, tôi hỏi Thiếu tướng Trần Văn Niên (năm nay đã 83 tuổi), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 6 Pháo binh: - Thưa ông, khi làm bộ phim về Đoàn 6 Pháo binh Quân giải phóng miền Nam, tôi thấy chiến công của Đoàn (trong giai đoạn 1963-1975) rất chói lọi: Tiêu diệt 922 tên Mỹ và chư hầu, diệt 36 tàu chiến, phá hủy 319 khẩu pháo, bắn cháy và bắn rơi 1.796 máy bay, phá sập 144 lô cốt của địch… Ấy vậy mà tới nay mới chỉ có Liệt sĩ Vũ Xuân được truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND. Anh hùng Phan Công Nam là từ đơn vị khác chuyển về?

 

Thiếu tướng Trần Văn Niên, tên gọi thân mật là Tư Niên (cũng như Vũ Xuân thường được đồng đội và nhân dân Nam Bộ gọi thân mật là Tư Xuân, Huế Xuân) chợt buồn. Những giọt nước mắt chợt lăn dài trên má, ông nói: "Đúng là chúng tôi chỉ chú ý đến chiến đấu. Công tác tuyên dương công trạng thật nhiều thiếu sót (!)"

 

*

 

*          *

 

Sau 52 năm thành lập, chưa bao giờ Lữ đoàn Pháo binh 6 lại vui như hôm ấy (ngày 27-4-2015). Đại tá Trần Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng; Đại tá Trịnh Văn Khắp, Chính ủy Lữ đoàn; Thượng tá Bùi Hữu Sức, Lữ đoàn phó… vui mừng đón chúng tôi - những người từ quê hương Thái Nguyên về dự buổi Lễ. Không phải cho đến dịp cuối tháng 4 vừa qua Lữ đoàn mới vui, mà kể từ khi có Quyết định của Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Vũ Xuân, đơn vị đã tổ chức học tập tấm gương Vũ Xuân qua xem bộ phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân”, đọc Nhật ký và tổ chức nhiều hoạt động khác. Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Vũ Xuân được tổ chức ngắn gọn mà trang trọng, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã có mặt. Đại diện gia đình Liệt sĩ Vũ Xuân, anh Vũ Thành - em ruột của Liệt sĩ - đã lên đón nhận Quyết định và có lời cảm ơn đơn vị, các đồng đội của Liệt sĩ Vũ Xuân đã nỗ lực để có vinh dự lớn này dành cho Liệt sĩ, gia đình và đơn vị.

 

Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Hà Thái, người đã lưu giữ cuốn Nhật ký, rồi đưa hài cốt Liệt sĩ Vũ Xuân về quê nhà, tiếp tục đem đến buổi Lễ bất ngờ mới. Đó là chiếc đèn pin và băng tang Bác Hồ của Vũ Xuân. Anh nói, với anh, Vũ Xuân là người bạn tri kỷ, suốt 40 năm qua không lúc nào anh không canh cánh một ý định là làm thế nào để hành động anh dũng của Vũ Xuân được công nhận Anh hùng. Và hôm nay, anh đã toại nguyện… Thiếu tướng Tư Niên và Lữ đoàn trưởng Trần Văn Sơn thì chia sẻ: Vậy là Lữ đoàn đã có một Anh hùng LLVTND. Với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đây là vinh dự vô giá.

 

Chúng tôi (các phóng viên Đài PT-TH Thái Nguyên) và gia đình Liệt sĩ Vũ Xuân đã trở lại khu vực đồn Kênh 2, thuộc huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nền đất đồn Kênh 2 - nơi Vũ Xuân ngã xuống - vẫn được nhân dân nơi đây giữ lại để trồng trên đó những khóm chuối, bụi hoa. Sau gần 8 năm mới gặp lại, chị Hà Thị Mào (nhân vật đã xuất hiện nhiều lần trong tập 6 của bộ phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân”) vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn. Chị nói: Tôi sống khỏe và luôn mong các cháu làm báo, quay phim đến với nơi chiến trường xưa…

 

Đã 8 năm kể từ ngày bộ phim "Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân”  được trình chiếu. Hơn một lần, với tư cách là Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản bộ phim, tôi đã được lãnh đạo Quân khu 9, Lữ đoàn Pháo binh 6 hỏi ý kiến về việc truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Vũ Xuân. Tôi vui mừng và mong chờ điều đó sẽ đến. Nhưng tại sao 40 năm sau ngày Anh hy sinh thì việc ấy mới tới? Như tôi đã đề cập ở phần trên, Thiếu tướng Tư Niên - Đoàn trưởng đầu tiên và có nhiều năm gắn bó với đơn vị này - đã nói: Việc đánh giá công trạng các anh chưa thật chú ý, ngại nói về mình… Thế đấy, có biết bao con người Việt Nam mình như vậy, có thể đây chính là phẩm chất Việt Nam (!)

 

Cũng trong dịp này, chúng tôi bắt tay vào làm tiếp 2 tập của bộ phim "Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” (đoạn nối tiếp 8 năm qua - Hành trình nhỏ cho một vinh dự lớn đối với Liệt sĩ), chủ yếu nói về tình đồng đội, những lá đơn, những lời đề nghị, hồ sơ, nhân chứng… để có được thành quả, niềm tự hào lớn lao ngày hôm nay. Và một lần nữa, đây được xem như nén tâm nhang kính viếng hương hồn Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân - một người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng.