* Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất * Sơn La: Mưa lũ làm chết hai người, một người mất tích
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, hồi 23 giờ ngày 24-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh đông bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, mạnh cấp 6 (tức là khoảng từ 40 đến 50 km một giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 25-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ vĩ bắc; 106,1 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi phía bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, đêm 24-6 và sáng 25-6 ở khu vực bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió giật mạnh cấp 6 đến cấp 8. Sóng biển cao từ ba đến năm mét. Biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đêm 24-6 còn có gió giật mạnh cấp 6, cấp 7. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2 đến 4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.
Ở phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ ba đến sáu mét, ở hạ lưu từ hai đến ba mét. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả nam Tây Bắc). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
* Sáng ngày 24-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 07 đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của mưa, lũ.
* Chiều cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 08 gửi các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và TP Hà Nội đề nghị theo dõi chặt diễn biến mưa lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở; chủ động phương án bảo đảm an toàn đê, hồ, đập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại trên các khu vực bị ngập, cầu, đò...
Chiều 24-6, khi cơn bão số 1 gây ảnh hưởng đến ven biển Quảng Ninh với gió giật mạnh, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (Vân Đồn) đã triển khai lực lượng kịp thời cứu hộ thành công 10 thuyền viên trên tàu đầu kéo bị trôi dạt trên biển. Tại tỉnh Sơn La, mưa lớn gây lũ đã làm hai người chết và một người mất tích. Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hải Phòng cho biết, đã có một người bị thương, được đưa vào bệnh viện Bạch Long Vĩ cấp cứu ngay sau đó. Về tài sản, có hai tàu, thuyền trong âu cảng Bạch Long Vĩ bị đứt dây neo, đâm vào bờ, bị chìm.
* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn... có công điện, thông báo chỉ đạo các cấp, ngành cần chủ động các biện pháp phòng, chống ứng phó với bão và mưa, lũ sau bão. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Thái Bình và miền núi Bắc Bộ đã có báo cáo công tác tổ chức triển khai các phương án chuẩn bị đối phó ở địa phương. Lạng Sơn đã tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để triển khai các biện pháp đối phó với bão số 1, chỉ đạo các huyện sử dụng hệ thống đài truyền thanh phường, xã, các xe thông tin lưu động để tập trung tuyên truyền rộng rãi tới quần chúng nhân dân về bão số 1; bố trí các đoàn công tác đi kiểm tra trực tiếp tại các huyện về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa bão. Sáng 24-6, TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 07/CĐUBND, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động các biện pháp phòng, chống. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, sáng 24-6 đã họp khẩn cấp chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó, không chủ quan lơ là trong công tác ứng phó trước, trong và sau bão. Để chủ động phòng, chống cơn bão số 1, huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã phát công điện khẩn tới 12 thị trấn trên địa bàn yêu cầu khẩn trương phòng, chống bão. Tỉnh Nam Định đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 1 tại các địa phương trong tỉnh, tập trung vào các huyện ven biển, đồng thời thông báo, gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn. Bão số 1 gây mưa to, gió lớn tại một số khu vực ven biển tỉnh Thái Bình. Để tập trung chống bão, lãnh đạo tỉnh đã tạm hoãn phiên họp HĐND, xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương bảo vệ tích cực người và tài sản.
* Do ảnh hưởng của đới gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh, cho nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, 8, biển động. Sóng biển cao từ hai đến bốn mét.
* Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 1, các tỉnh Đông Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Do vậy, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.
* Ngày 24-6, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đón tiếp, thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ 32 ngư dân bị nạn khi hành nghề câu mực trên vùng biển Trường Sa vừa được đưa về từ Vũng Tàu và trao quà hỗ trợ cho các ngư dân bị nạn.
* Trước tình hình thời tiết xấu, trong ngày 24-6, Vietnam Airlines đã phải thay đổi giờ bay một số chuyến bay. Cụ thể, có tám chuyến bay có chiều đi, đến từ Hải Phòng và một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội. Thời gian tạm hoãn các chuyến bay từ 1,5 đến 5 giờ.
* Ngày 24-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vừa có công điện đề nghị các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các đơn vị trực thuộc bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cũng như một số tỉnh miền núi cần chủ động đối phó với diễn biến cơn bão số 1. Công điện nêu rõ, các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để có biện pháp phòng, tránh hiệu quả, nhất là các công trình đang thi công, công trình trọng yếu, công trình có độ an toàn thấp, công trình vừa bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đáng chú ý, để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tốt kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra, các đơn vị cần chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước...
* Để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: triển khai phương án phòng, chống để đối phó, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra; tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời; bảo đảm cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng; rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du...