Theo tính toán, vào năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, chúng ta sẽ phải cần tới ba Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của con người. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thói quen tiêu dùng chưa bền vững của chính chúng ta.
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại Lễ mít-tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới vừa diễn ra vào sáng nay (5-6), tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, những cải tiến công nghệ khiến cuộc sống của con người tiện lợi và gọn nhẹ bao nhiêu thì thiên nhiên lại bị tàn phá và ô nhiễm bấy nhiêu. Với những nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, một lượng lớn túi nilon, đồ tiêu dùng bằng nhựa khó tiêu hủy được xả thải ra môi trường… Những việc làm tưởng chừng như “bình thường” này của con người đang dẫn đến những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường mà chúng ta đang phải gánh chịu ngay từ bây giờ, như: hiện tượng nước biển dâng cao gây sạt lở, mất đất, cạn kiệt tài nguyên.
Đối với Việt Nam, trong thời gian qua tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa hợp lý và tiết kiệm, môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, nhiều thói quen tiêu dùng đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.
“Để hạn chế tình trạng này, điều quan trọng nhất là con người phải thay đổi được hành vi mua sắm và tiêu thụ của mình. Nếu một người tiêu dùng thay đổi các thói quen tiêu dùng của mình thì các nhà sản xuất cũng thay đổi, xã hội từ đó cũng thay đổi theo”, Bộ trưởng cho biết.
Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một Trái đất bền vững” nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ Trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong sản xuất, tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất để phát triển bền vững, sự phát triển không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn bảo đảm không ảnh hưởng, tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Điều đó có nghĩa là phát triển kinh tế không làm cho tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm.
Phát biểu tại Lễ mít-tinh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị xã hội, mọi công dân Việt Nam có những hành động thiết thực tham gia Ngày Môi trường thế giới, chung tay bảo vệ môi trường. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các biện pháp để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu, giảm dần sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng cường phát triển các ngành công nghệ sinh thái, dịch vụ môi trường. Hai là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hướng tới quản lý khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy khuyến khích doanh nhiệp phát triển ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Xanh hóa lối sống tiêu dùng bền vững, trong đó phát triển đô thị bền vững và xây dựng nông thôn mới hài hòa với môi trường, tiến tới thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững.
Tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác, sử dụng TNTN bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chủ động phòng chống thiên tai. Cơ quan quản lý nhanh chóng công bố các tiêu chí đánh giá xếp hạng chất lượng bảo vệ môi trường đối với các địa phương và trong cả nước.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi tất cả mọi người hãy tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thật đơn giản như: phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên; có kế hoạch mua sắm thông minh dần loại bỏ thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng để giảm thiểu những rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “bảo đảm bền vững về môi trường”.
Ngay sau lễ mít-tinh, các đại biểu và người dân địa phương cùng trồng cây xanh, tổng vệ sinh thu dọn rác, giữ gìn vệ sinh môi trường và tuyên truyền cho người dân về Ngày Môi trường thế giới năm 2015.