Đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số

14:46, 10/06/2015

Hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) phối hợp tổ chức ngày 10/6, tại Hà Nội.  

Với 2 phiên chính: Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí - những vấn đề mới trong kỷ nguyên số; Gìn giữ đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí, H ội thảo đã giúp các nhà quản lý, cơ quan hữu quan có cái nhìn chân thực hơn về sự phát triển của báo chí trong kỷ nguyên số, từng bước thu hẹp khoảng cách về ứng dụng khoa học công nghệ báo chí tại Việt Nam.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Vì sao cần đảm bảo trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số; vì sao kỷ nguyên số lại có nhiều tác động tiêu cực trong khi các hoạt động của báo chí, cải cách trong lĩnh vực báo chí đã đạt được nhiều thành công; những nguyên tắc để đảm bảo trách nhiệm xã hội và làm thế nào để khai thác mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, chia sẻ những kinh nghiệm làm báo trong kỷ nguyên số...

 

Thạc sĩ Lưu Đình Phúc, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Nội dung đạo đức nghề báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu mà là những gì cụ thể, hiển hiện trong đời sống thường ngày. Những gì pháp luật không cấm thì chúng ta có thể làm nhưng nên, không nên làm gì lại thuộc về phạm trù đạo đức, đó là cách mà mỗi cá nhân ứng xử trên cơ sở quy phạm đạo đức xã hội. Với nhà báo, đó còn là lương tâm và trách nhiệm xã hội.

 

Đồng ý với quan điểm trên, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền chia sẻ thêm: Kỷ nguyên số giúp báo chí phát triển về mọi mặt, tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh thách thức lớn đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Đặc biệt, kỷ nguyên số không chỉ khuếch đại tầm ảnh hưởng của thông tin mà còn khuếch đại cả vấn đề trách nhiệm và đạo đức người làm báo. Trong biển thông tin nhiều chiều, không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống bởi đó là sức mạnh của nền báo chí cách mạng. Đây cũng chính là lý do để Thông tấn xã Việt Nam hướng dẫn khẩu hiệu truyền thống “Nhanh-Đúng-Trúng-Hay” sang “Đúng-Nhanh-Trúng-Hay” trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng như hiện nay.

 

Trong những năm gần đây, báo chí điện tử phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 98 cơ quan báo chí điện tử, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép và gần 400 mạng xã hội. Công nghệ truyền thông ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà báo nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp như: Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật và quyền được biết sự thật của công chúng; xâm phạm bí mật, quyền riêng tư của cá nhân; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; phương pháp khai thác thông tin; đạo văn và vi phạm bản quyền…

 

Để giữ gìn đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí trong kỷ nguyên số, đa số đại biểu thống nhất, bên cạnh việc quản lý nghiêm bằng pháp luật trong hoạt động báo chí, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo, cần hoàn thiện quy tắc đạo đức nghề báo theo hướng chi tiết, cụ thể. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần gương mẫu trong thực hiện quy tắc đạo đức người làm báo. Hội Nhà báo phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên; hình thành dư luận trong việc phản đối những vi phạm đạo đức nghề báo. Mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn phóng viên, biên tập viên. Cùng với việc tăng cường quản lý báo chí, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí, hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí./.