Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam

16:03, 07/06/2015

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm “Sáng kiến Việt Nam” (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước dự và phát biểu tại Diễn đàn. Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam; Giám đốc nhóm “Sáng kiến Việt Nam”, Giáo sư Trần Ngọc Anh đồng chủ trì Diễn đàn.

 

Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước.

 

Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho trí thức kiều bào đóng góp ý kiến, tư vấn trên tinh thần xây dựng và tích cực vào những vấn đề thiết thực đối với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, giúp các học giả nắm bắt được yêu cầu trong nước, giao lưu, kết nối với trí thức và các nhà quản lý trong nước. Hoạt động này thể hiện sự quan tâm cùa Đảng và Nhà nước về phát huy các nguồn lực của kiều bào, huy động kiến thức của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và kinh nghiệm quốc tế vào hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển kinh tế; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của các trí thức kiều bào là được tham gia vào quá trình phát triển đất nước.

 

*Phát huy nguồn lực từ trí thức kiều bào

 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có nhiều thành công toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế còn yếu. Những khiếm khuyết này cần được nghiên cứu và hoàn thiện từ cơ chế, chính sách đến các điều kiện đảm bảo, để Việt Nam phát triển đúng định hướng đã chọn, hội nhập thành công khi mà nguồn vốn tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực cơ bản để phát triển đất nước. Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng diễn ra trước thềm Đại hội XII của Đảng.

 

Phó Chủ tịch nước đánh giá đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Diễn đàn để có cơ hội lắng nghe ý kiến đóng góp của những người con xa quê hương đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng; các chuyên gia kinh tế có những nghiên cứu chuyên sâu trong từng lĩnh vực và có tâm huyết muốn Việt Nam phát triển. Hoan nghênh sự hưởng tích cực của " Sáng kiến Việt Nam", các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học là trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, muốn Việt Nam phát triển, Phó Chủ tịch nước mong muốn các nhà khoa học có những đóng góp quý báu, tạo thành công của Diễn đàn. Từ thành công của Diễn đàn, có tiếng nói với các cơ quan chức năng, với lãnh đạo Đảng và Nhà nước để hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách và các điều kiện đảm bảo cho các cơ chế, chính sách.

 

Phó Chủ tịch nước khẳng định: Chiếm 10% trong 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các công ty xuyên quốc gia, Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính lớn, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận vô cùng quan trọng không chỉ đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng, trí tuệ của các nhà khoa học đã và đang đóng góp, tạo thêm động lực quan trọng, nâng cao chất lượng phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đảng và Nhà nước trân trọng, tạo điều kiện và đánh giá cao những đóng góp quý báu đó. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị, với tinh thần tích cực, cởi mở và xây dựng, các đại biểu tập trung thảo luận những chủ đề mà Diễn đàn đã nêu. Các cơ quan chức năng lắng nghe, tổng hợp đầy đủ ý kiến, nghiên cứu, phân tích trong quá trình thực hiện cải cách chính sách để có những đề xuất kịp thời, thiết thực với Đảng và Nhà nước. Phó Chủ tịch nước mong muốn có sự kết nối tốt giữa các nhà khoa học Việt Nam với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài, với những người bạn nước ngoài làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Diễn đàn này sẽ được Bộ Ngoại giao và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thường kỳ để phát huy các nguồn lực, trí tuệ của kiều bào vào quá trình phát triển đất nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ngày càng ổn định, có tiềm lực và tri thức về kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại. Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” là một hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết 36 - NQ/TW và Chỉ thị 45 - CT/TW của Bộ Chính trị; lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn này là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

 

* Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu

 

Tại Diễn đàn này, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành tập trung thảo luận về các nội dung: đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

 

Thảo luận tại Diễn đàn về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu đi sâu trao đổi về các vấn đề: nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà Nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các đại biểu thảo luận về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của các nước và nêu khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.

 

Về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, các đại biểu đi sâu thảo luận về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở Việt Nam; kinh nghiệm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ ở các nước và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; hỗ trợ quốc tế với hệ thống y tế... Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về vai trò đổi mới khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo... đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tính khả thi, lộ trình để thực hiện và kinh nghiệm quốc tế.

 

Thông qua Diễn đàn này, các đại biểu cùng trao đổi, cho ý kiến về việc hình thành một Diễn đàn Kinh tế được tổ chức hàng năm (hoặc định kỳ), nơi gặp gỡ của trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Ngoại giao đồng chủ trì./.