Tình hình phát triển kinh tế của đất nước những tháng qua đã có dấu hiệu chuyển biến khá tích cực, nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế, như tính bền vững chưa cao, tăng trưởng xuất khẩu đạt thấp và một bộ phận doanh nghiệp (DN) còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Đây là thực tiễn đáng quan tâm và cần có những biện pháp hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả để các DN hồi phục một cách nhanh chóng, ổn định hơn trong những tháng cuối năm…
Như thông tin chúng tôi đã đưa, thời gian qua, nền kinh tế đất nước tiếp tục tăng trưởng khá cao và ổn định, nhiều DN đang lấy lại đà tăng trưởng, đồng thời lạm phát được kiềm chế, từ đó cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế. Dấu hiệu lạc quan này cũng nhận được sự đồng thuận trong đánh giá của các tổ chức, cơ quan đối tác quốc tế. Điểm đáng lưu ý nữa là mới đây, nước ta đã hoàn thành giai đoạn đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) và điều đó mang lại cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu, quảng bá sản phẩm kết hợp tìm thêm đối tác hợp tác, mời gọi đầu tư. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có 46% các DN trong nước và 50% các DN có vốn nước ngoài cho biết có ý định đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Tuy vậy, các ngành, cơ quan chức năng vẫn chưa an tâm, thậm chí lo ngại về khả năng cạnh tranh và ứng phó trong quá trình hội nhập quốc tế của các DN trong nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng có một số tồn tại từ lâu, cố hữu của các DN trong nước đến nay vẫn chậm được khắc phục (như quy mô DN nhỏ bé, hoạt động manh mún, thiếu vốn và công nghệ hiện đại, yếu kém về năng lực quản trị...). Hiện nay mới chỉ có 36% số DN sản xuất theo định hướng xuất khẩu, 21% tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thực tế rất đáng quan ngại bởi hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhiều sức ép, đẩy mức cạnh tranh tăng cao đối với các DN nội (trong khi nhiều đơn vị vẫn còn một khoảng cách xa so với chuẩn mực quốc tế)...
Mới đây, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng việc hỗ trợ các DN ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng cần được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình cải cách nền kinh tế của đất nước, nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, dễ thực hiện. Về phía Bộ đã rà soát, hệ thống lại các văn bản, quy định đối với DN theo tinh thần đơn giản hóa tối đa, đồng thời phù hợp với các thông lệ quốc tế. Qua sàng lọc, hiện chỉ còn 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (giảm đáng kể so với con số 386 ngành nghề cách đây vài tháng). Thời gian tới, việc rà soát sẽ tiếp tục và được đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những tác dụng, mặt được từ phía các DN để điều chỉnh, phát huy. Bên cạnh đó, những tiến bộ rõ nét trong cải cách thủ tục hải quan và thuế cũng được các DN đồng thuận, ghi nhận. Trong một diễn biến khác, được biết hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang khuyến nghị xây dựng một chương trình quốc gia về khởi nghiệp nhằm hun đúc tinh thần kinh doanh đối với giới doanh nhân và gia tăng số lượng DN đăng ký thành lập mới. Trong đó, tập trung phát triển các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay và mặt bằng sản xuất; cung cấp thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu cũng như thiết lập sự liên kết giữa các DN đầu tư nước ngoài với DN nội. Đặc biệt, Chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu, tập trung cổ phần hóa DN Nhà nước và thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khối DN. Đồng thời khuyến khích việc huy động nguồn vốn thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP) để giảm gánh nặng cho ngân sách, kết hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trong việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi những giải pháp nêu trên được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ góp phần rất quan trọng hỗ trợ các DN lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.