Quản lý trầm tích ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

14:30, 26/06/2015

Ngày 26/6, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam và thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Long lần thứ 7 với chủ đề "Quản lý trầm tích ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long".  

Tham dự diễn đàn có các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo các sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm nhận khoảng 79 triệu tấn trầm tích, trong đó có từ 9 đến 13 triệu tấn lắng đọng ở các vùng đồng bằng ngập lũ và phần còn lại, góp phần mở rộng châu thổ và làm phì nhiêu các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển…Tuy nhiên, do việc xây các hồ, đập thủy điện, các công trình chống lũ, việc khai thác cát sỏi một cách ồ ạt trong thời gian gần đây, việc phá rừng đầu nguồn, canh tác du canh, việc xả thải vào nguồn nước...đã tác động rất lớn đến nguồn trầm tích.

 

Việc suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn trầm tích dẫn đến mỗi năm tình hình sạt lở đất đã “ngốn” mất 500 ha của vùng đồng bằng sông Cửu Long với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến từ 30- 40 mét/năm. Trên các tuyến sông, ven biển đã xảy ra 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450 km.

 

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi chất lượng nước, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học là do những năm gần đây việc phát triển nhanh chóng nguồn năng lượng thủy điện trên các chi lưu và dòng chính của sông Mê Kông và cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của các nước tiểu vùng sông Mê Kông đã làm thay đổi số lượng và chất lượng trầm tích của sông Cửu Long, gây tác động tiêu cực lên môi trường và các tài nguyên của Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, mục tiêu của diễn đàn lần này là nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị to lớn của trầm tích đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên của đồng bằng sông Cửu Long cho các cán bộ quản lý và cộng đồng.

 

Diễn đàn cũng là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi những kinh nghiệm, những bài học quý về công tác quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nói chung và trầm tích nói riêng như xác định những tác động của việc vận chuyển trầm tích đến phát triển kinh tế xã hội của vùng: Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ những tác động của vận chuyển trầm tích đến tài nguyên thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất cơ chế chính sách, tài chính hỗ trợ công tác quản lý và sử dụng trầm tích ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các ngành, các cấp và các địa phương đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương thức quản lý, khai thác sử dụng bền vững trầm tích ở đồng bằng sông Cửu Long, lồng ghép quản lý, khai thác, sử dụng bền vững trầm tích với bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái vào kế họach, chương trình dự án phát triển có liên quan, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển bền vững, gắn bảo tồn với xóa đói giảm nghèo tại vùng đất ngập nước; tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá tác động của vận chuyển trầm tích đến tài nguyên thiên nhiên, từ đó tiến hành đề xuất, xây dựng chiến lược bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước của Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu lưu vực sông Mê Kông và vấn đề vận chuyển trầm tích nói riêng…

 

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng như nguồn trầm tích trên sông Cửu Long. Theo Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam: Để khai thác bền vững tài nguyên trên sông Cửu Long, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các tỉnh, thành trong vùng nhằm đưa ra một quy chế quản lý thống nhất và hợp tác liên tỉnh trong quản lý khai thác cát, sỏi và thực thi pháp luật một cách triệt để.

 

Còn Tiến sĩ Đào Trọng Từ, Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu cho rằng: Cần đưa quản lý trầm tích vào hệ thống chính sách và quản lý quốc gia; cần thực hiện nghiên cứu và đánh giá khoa học tòan diện về trầm tích trên sông Mê Kông và vai trò của trầm tích đối với Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng chiến lược và kế họach hành động ưu tiên quản lý trầm tích trong phạm vi vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập kế họach khai thác trầm tích bền vững và có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn hành động khai thác cá, sỏi trái phép./.