Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề công tác xã hội

16:52, 11/06/2015

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) và Đề án Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2010-2020, trong 2 ngày (11và 12-6), tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, The Atlantic Philanthropies đã tổ chức Hội thảo Tăng cường công tác truyền thông phát triển nghề CTXH năm 2015.

Tham dự có lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, các nhà quản lý, xây dựng chính sách; các chuyên gia về truyền thông; lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của 50 cơ quan báo chí đến từ Trung ương và các địa phương trong cả nước.

 

Hiện nay, ở nước ta, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, hàng chục triệu người, gồm: người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Để trợ giúp cho những đối tượng trên, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhiều Luật, Bộ luật đã ban hành trợ giúp cho các đối tượng như: Bộ Luật lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Đặc biệt, ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án, trên 35 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng các mô hình trung tâm CTXH, nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH là 432 cơ sở. Đến nay, có nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành hiệu quả ở các tỉnh như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An… Với sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan báo chí, nhận thức của các ban, ngành, địa phương về nghề CTXH đã có chuyển biến mạnh mẽ.

 

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nghề CTXH, những năm qua công tác truyền thông trên các loại hình báo chí về nghề CTXH đã được quan tâm. Bình quân mỗi năm, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã đăng tải trên 11.000 tin, bài liên quan đến nghề CTXH. Tại Hội thảo, các đại biểu dự đã được nghe một số nội dung liên quan đến nghề CTXH như: khái quát và định hướng phát triển nghề CTXH tại Việt Nam thời gian tới; một số kinh nghiệm và đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển nghề CTXH trên báo chí; kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị về phát triển nghề CTXH ở Việt Nam;… Thông qua Hội thảo nhằm tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông về nghề công tác xã hội trong thời gian tới, tạo sức lan toả và ảnh hưởng tích cực hơn nữa đối với cộng đồng.

 

Ban Tổ chức trao giải cho các phóng viên có tác phẩm dự thi xuất sắc trong cuộc thi sáng tác báo chí nhanh sau chuyến đi thực tế tại Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng và Làng trẻ em SOS (Hải Phòng).

 

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được đi tìm hiểu thực tế tại làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng và làng trẻ em SOS (Hải Phòng) và thực hiện các tác phẩm báo chí, nộp cho Ban Tổ chức để chấm và trao giải.