Tổ ấm gia đình

09:32, 24/06/2015

Gia đình - Đó là những viên gạch xây nên tòa lâu đài xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất, là tổ ấm đi về của mỗi thành viên sau những giờ học tập, công tác vất vả; nơi các em nhỏ được chăm sóc, nuôi dưỡng và khôn lớn, nơi ngập tràn tình yêu thương.

Song, gia đình có thể trở thành địa ngục nếu như tổ ấm ấy bị tổn thương, đổ vỡ. Cùng với đó là những đứa trẻ lang thang bơ vơ giữa cuộc đời, không chỗ dựa, không tình thương, chúng sớm phải bươn trải với những lo toan nhọc nhằn của cuộc sống.

 

Từ ngàn xưa, tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc hiền tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình đặc biệt, mà tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam.

 

Việc thiết lập mối quan hệ văn hoá gia đình cùng với các chức năng sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên trong gia đình, đồng thời quan tâm giáo dục văn hoá thông qua các hoạt động của gia đình (như văn hoá ẩm thực; giao tiếp ứng xử, văn hoá trang phục, sắp xếp các tiện nghi gia đình, thưởng thức văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng...) ngày nay được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc.

 

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống; là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội; tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

Hưởng ứng chủ đề “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, hướng về ngày Gia đình Việt Nam năm nay, các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Triển khai các hoạt động tuyên truyền về Ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày Gia đình Việt Nam; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; đề cao trách nhiệm, hành động của mỗi thành viên trong gia đình thực hiện bảo vệ trẻ em tránh các hành vi bạo lực, xâm hại ở gia đình và cộng đồng. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ... Những hoạt động đó đã góp phần tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

 

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm xuất phát từ truyền thống đạo lý mấy ngàn năm văn hiến. Năm nay, ngày Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" với ý nghĩa tôn vinh những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Và mỗi người sẽ thấu hiểu hơn gia đình của mình chính là nơi chúng ta được nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ đến những phút giây hạnh phúc bên người thân.

 

 Có thể khẳng định, gia đình là bức tường vững chắc để ngăn ngừa tội phạm. Cùng với các nhà trường, gia đình là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của các em ngay từ thuở mới cất tiếng khóc chào đời. Gia đình đầm ấm sẽ là môi trường phát triển tích cực cho các em trong cuộc sống. Bởi vây, mỗi chúng ta hãy biết trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa ông cha để lại, vun đắp để giữ gìn hạnh phúc cho tổ ấm của mình, đừng để cuộc sống hiện đại trong xu thế hội nhập và phát triển làm mờ đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.