Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-COV

14:57, 08/06/2015

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến 19 giờ ngày 7/6/2015, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV).

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, có 1 bệnh nhân nữ 52 tuổi trở về nước từ Dubai (UEA) qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi; được nhập Bệnh viện Nhiêt đới TP. Hồ Chí Minh ngày 5/6/2015. Bệnh nhân đã được cách ly, điều trị và làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả xét nghiệm: âm tính với vi rút MERS-CoV.

 

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ngày 4/6/2015 có 1 bệnh nhân nữ, 54 tuổi trở về nước từ Hàn Quốc qua cửa khẩu sân bay Nội Bài ngày 1/6/2015, đến ngày 4/6/2015 có các triệu chứng: sốt, ho khan; được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm: âm tính với vi rút MERS-CoV.

 

Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ngày 4/6/2015 có 1 bệnh nhân nam, 30 tuổi trở về nước từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái ngày 3/6/2015 và có các triệu chứng: sốt, ho, khó thở; bệnh nhân đã được nhập viện, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và có kết quả xét nghiệm: âm tính với vi rút MERS-CoV.

 

Như vậy, tính đến thời điểm 19 giờ ngày 7/6, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-CoV.

 

Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 7/6/2015, thế giới đã ghi nhận 1.209 trường hợp mắc MERS-CoV , trong đó có 448 trường hợp tử vong tại 26 quốc gia: vùng Trung Đông: 9 quốc gia, Mỹ, châu Âu: 12 quốc gia, châu Á: 4 quốc gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, riêng tại Hàn Quốc đã có 64 trường hợp mắc, với 5 trường hợp tử vong.

 

Theo Cục Y tế dự phòng, vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân.

 

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35% - 40%.

 

Điều đáng lo ngại ở đây là một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện.

 

Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

 

* Để phòng, chống MERS-COV, bảo đảm sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng trong tình hình dịch MERS-CoV lây lan nhanh chóng và phức tạp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo những người đi du lịch cần hạn chế đi du lịch tới các vùng đang có dịch, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch …. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

 

Bên cạnh đó, người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người.

 

Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay./.