Các địa phương chủ động phòng chống MERS-CoV

08:59, 02/07/2015

Chủ động ứng phó với MERS-CoV, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn.

Tính đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đã được tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm, phổ biến kế hoạch phòng, chống MERS-CoV.

 

Theo nhận định của Sở Y tế, nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào tỉnh khá cao. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Sở đã có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh do MERS-CoV. Trước tình hình diễn biến MERS-CoV đang lây lan nhanh tại một số nước trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc, ngày 9-6-2015, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế; trung tâm y tế các huyện tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện xây dựng kế hoạch kế hoạch phòng, chống MERS-CoV; tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống MERS-CoV…

 

Thị xã Phổ Yên được đánh giá là một trong 3 địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm MERS-CoV. Trung bình mỗi tháng, trên địa bàn huyện có hàng trăm lượt người đi về từ Hàn Quốc - quốc gia có nhiều người nhiễm MERS-CoV. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế thị xã đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm (PCDBNH) ở người của Thị xã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch MERS-CoV trên địa bàn với mục tiêu chung là: phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do MERS-CoV.

 

Theo Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo PCDBNH thị xã Phổ Yên chia cấp độ chống dịch thành 3 tình huống khác nhau. Tình huống 1, khi chưa có trường hợp mắc bệnh tại địa phương, toàn thị xã chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm; nâng cao nhận thức của cộng đồng về MERS-CoV… Tình huống 2, khi phát hiện các trường hợp nhiễm MERS-CoV ở phạm vi hẹp, Ban Chỉ đạo thị xã tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại; triển khai các biện pháp cách ly các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ mắc bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, không hoang mang… Tình huống 3, khi dịch bùng phát ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo thị xã sẽ tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; thiết lập bệnh viện dã chiến tại những nơi có đông bệnh nhân nhiễm MERS-CoV…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo PCDBNH thị xã Phổ Yên cho biết: Chúng tôi cũng đã giao Trung tâm Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống MERS-CoV; chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện các giải pháp chuyên môn kỹ thuật phòng, chống MERS-CoV, tổ chức khu vực cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, thu dung điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế để sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV.

 

Tương tự như T.X Phổ Yên, T.P Sông Công cũng là một trong các địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm MERS-CoV. Từ ngày 16-6, Ban Chỉ đạo PCDBNH thành phố đã ban hành Kế hoạch phòng, chống MERS-CoV với mục tiêu 100% các ổ dịch được phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do MERS-CoV; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh được tập huấn về MERS-CoV; 100% các cơ sở y tế được dự trù đầy đủ hóa chất, vật tư, trang bị phòng dịch…

 

Ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo PCDBNH T.P Sông Công cho biết: Ngoài kế hoạch chung, chúng tôi cũng yêu cầu các xã, phường, các đơn vị trực thuộc và các cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị để triển khai phòng, chống MERS-CoV đạt hiệu quả cao nhất đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế các xã, phường, y tế thôn bản trên địa bàn. Ban Chỉ đạo thành phố giao Trung tâm Y tế thành phố chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch chung để bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của tất cả các phòng ban, đơn vị trên địa bàn vào công tác phòng, chống dịch.

 

Với T.P Thái Nguyên, công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV cũng được Ban Chỉ đạo PCDBNH thành phố triển khai từ sớm. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Từ ngày 12-6, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác khám, chữa bệnh, điều trị, dự phòng của toàn thành phố đồng thời hướng dẫn hệ thống y tế trên địa bàn tuyên truyền, khuyến cáo cộng đồng phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại bệnh viện và cộng đồng. Trung tâm cũng tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCDBNH thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống MERS-CoV triển khai tới tất cả các xã, phường. Ngay tại Trung tâm, chúng tôi tổ chức phòng khám riêng và khu vực cách ly cho người người nghi nhiễm MERS-CoV. Bệnh nhân khi có những biểu hiện lâm sàng nhiễm MERS-CoV đến Trung tâm sẽ lập tức được chuyển đến khu vực khám, điều trị riêng đồng thời được lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh, cho biết: Trước tình hình dịch MERS-CoV xuất hiện ở nhiều quốc gia trong khu vực gây nguy cơ cao lây nhiễm vào Việt Nam, Sở Y tế đã thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại một số doanh nghiệp có đông người nước ngoài đặc biệt là người Hàn Quốc làm việc; tập huấn cho các cán bộ dự phòng điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng, chống dịch; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch… Qua kiểm tra tại các địa phương, chúng tôi cho rằng nhận thức của cơ quan y tế, Ban Chỉ đạo PCDBNH các huyện, thành, thị đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh và có những hoạt động cụ thể phòng, chống MERS-CoV. Vật tư, trang bị chống dịch cũng được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, tại một số địa phương, mặc dù đã ban hành kế hoạch nhưng chưa họp Ban Chỉ đạo dẫn tới công tác phân công cho các ngành, ban, thành viên chưa được cụ thể, chúng tôi đã nhắc nhở và đề nghị phải tổ chức họp ngay bởi công tác chống dịch không chỉ của riêng ngành y tế mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Có như vậy, mới phát hiện sớm và phòng, chống dịch mới hiệu quả. Về phía ngành, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh dự phòng vật tư, trang bị và lên phương án sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có dịch.

 

Dịch bệnh MERS-CoV mặc dù rất nguy hiểm nhưng đã được tỉnh, ngành Y tế và các địa phương chủ động phòng, chống vì vậy người dân không nên hoang mang mà luôn chủ động vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che mũi, miệng bằng khăn giấy khi ho, chảy nước mũi, sau đó bỏ vào thùng rác; không dùng bàn tay chưa rửa sạch chạm vào vùng mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng; tránh tiếp xúc với người bệnh; thường xuyên lau chùi những vật dụng có nhiều người tiếp xúc, như: tay nắm cửa, vịn cầu thang…; khi không có việc cần thiết, tuyệt đối không nên đi đến những nơi đang có dịch lây lan.