Cần sớm ban hành cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

15:41, 23/07/2015

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015.

6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua đó, thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 11.298,6 tỷ đồng, 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593,5 tỷ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỷ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất.

 

Ngành Thanh tra đã ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 1.830 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành Thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 09 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 09 vụ, 07 đối tượng.

 

Cơ quan điều tra trong ngành Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 103 vụ, 272 bị can; đang tiếp tục điều tra 114 vụ, 320 bị can . Một người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.

 

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết các trường hợp cán bộ, công chức bị xử lý về hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật chủ yếu mới ở cấp cơ sở, xã, phường, phòng, ban.

 

Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định về việc kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, tuy nhiên hành lang pháp lý còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, không mang lại được tác động phòng, chống tham nhũng như mong muốn. Cơ chế này được ban hành sẽ giúp phát hiện các tài sản bất minh, tránh tình trạng người tham nhũng tẩu tán tài sản ra nước ngoài, giúp việc thu hồi tài sản tham nhũng thuận lợi hơn rất nhiều.

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết : Trong 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra tiếp tục tăng cường triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo như: Quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu…

 

Thanh tra Chính phủ đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.

 

Thanh tra Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, nhất là hoàn thiện các quy định nhằm công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên… và kiến nghị ban hành cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

 

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một cán bộ Thanh tra Chính phủ bị Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết: Có vụ việc một cán bộ của đơn vị này bị bắt giữ, nhưng không liên quan đến hoạt động công vụ. Ông Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1980, ở Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, công tác tại Phòng Tổng hợp, Cục 1, Thanh tra Chính phủ, bị bắt giữ do liên quan đến một vụ án mà cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đang tiến hành điều tra. Vụ án này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xảy ra ngày 7/7 tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Căn cứ Luật Cán bộ công chức, ngày 8/7, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Dũng. /.