Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

14:35, 07/07/2015

  Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 7-7, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh.  

 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) và công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Dương Ngọc Long trình bày đã nhấn mạnh những kết quả chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng qua 5 năm thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp đã thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Ban Bí thư, các Ban xây dựng Đảng TW, Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến thời điểm này, đã có 720/720 tổ chức cơ sở đảng toàn tỉnh tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đảm bảo yêu cầu. Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị đại hội của TW và của tỉnh đến toàn thể cán bộ chủ chốt. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung và tổ chức đại hội các đảng bộ trực thuộc. Tỉnh ủy đã chuẩn bị tốt văn kiện, công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác một số nội dung: Đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị Khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; tạo điều kiện hỗ trợ nguồn đầu tư cho tỉnh phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát huy giá trị các di tích lịch sử trong vùng ATK; tăng cường nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội; có cơ chế chính sách đầu tư trở lại địa phương từ nguồn thuế xuất khẩu nộp TW nhằm giúp tỉnh giảm bớt khó khăn.

 

Cho ý kiến vào báo cáo, các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW; Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước đã khẳng định những kết quả đạt được của Thái Nguyên là rất đáng kể. Các chỉ tiêu căn bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức, tốc độ tăng trưởng cao (13,1%), thu ngân sách trong cân đối hàng năm tăng cao (20,5%), số xã đạt tiêu chí nông thôn mới cao hơn bình quân cả nước… Trên cơ sở phân tích lợi thế, tiềm năng của tỉnh, các đồng chí đề nghị lãnh đạo tỉnh có quy hoạch tổng thể của tỉnh tầm cỡ quốc gia; coi trọng các lợi thế, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm cung ứng nhân lực trong nước và ngoài nước; duy trì bền vững kết quả xây dựng nông thôn mới; tạo sức lan tỏa, thu hút được các nhà đầu tư; phát triển công nghiệp phụ trợ, khai thác xuất khẩu.

 

Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm tại Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ.

 

Sau khi nghe Trung tướng Phan Văn Giang, Tư lệnh Quân khu 1; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Viết Thuần làm rõ hơn một số thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khẳng định: 5 năm qua, Thái Nguyên nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến; hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh; duy trì được nhịp độ phát triển nông nghiệp; công tác quản lý đất đai, khoáng sản được chú trọng... Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế: Hạ tầng giao thông, cụ thể là quốc lộ 3 từ Hà nội đến Phổ Yên chưa tốt; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho cơ khí, điện tử chưa phát triển. 5 năm tới, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, chú ý tạo vùng nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thợ lành nghề, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phấn đấu thu đủ chi và nộp ngân sách TW vào năm 2020.