Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc tại Thái Nguyên

17:52, 01/07/2015

Ngày 1-7, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh về công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Đoàn công tác đã đến chào xã giao đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Đình Phách đề nghị Bộ ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thái Nguyên triển khai một cách cụ thể những nội dung, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết sẵn sàng hợp tác, trợ giúp Thái Nguyên trong lĩnh vực ngoại giao, hội nhập quốc tế đồng thời chúc tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tiềm năng thế mạnh và kết quả công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đồng thời bày tỏ mong muốn, Bộ Ngoại giao quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh hơn nữa trong công tác ngoại giao kinh tế, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu đến các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên; mời gọi các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên. Đồng chí Bùi Thanh Sơn ghi nhận những ý kiến của tỉnh và bày tỏ mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên sẽ góp phần tích cực cùng cả nước chủ động hội nhập và tham gia vào quá trình cạnh tranh, hình thành những mối liên kết kinh tế quốc tế.

 

Tại buổi làm việc, Bộ ngoại giao đã trao tặng số tiền 100 triệu đồng ủng hộ Nạn nhân chất độc da cam - dioxin tỉnh.

 

* Cùng ngày, tại T.P Thái Nguyên, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với địa phương từ 2015” với sự tham gia của đại diện 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cung cấp một số thông tin về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

 

Trên tinh thần trao đổi cởi mở và thẳng thắn, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng cho rằng, các địa phương cần triển khai một số giải pháp cụ thể để đóng góp vào tiến trình hội nhập quốc tế chung của đất nước như: Xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế địa phương, đổi mới mô hình tăng trưởng lấy phát triển bền vững làm mục tiêu; đánh giá tác động của diễn biến kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế tới các mặt của đời sống kinh tế, xã hội; điều tra, phân loại, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại… Về phía doanh nghiệp thì gặp khó khăn khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế do hạn chế về thông tin, năng lực cạnh tranh yếu kém, thiếu chính sách chung về phát triển vùng, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt nội dung tiến trình hội nhập quốc tế, từ đó xác định được lợi thế của mình khi tham gia vào thị trường toàn cầu.