Huyền thoại tàu không số qua ký ức người lính

16:36, 09/07/2015

Tôi được nghe kể nhiều về cựu chiến binh Nguyễn Trường Sinh, người từng 3 lần “cưỡi” tàu không số huyền thoại. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, ông và đồng đội đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí để chi viện cho chiến trường miền Nam qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Nhà ông Nguyễn Trường Sinh trong một ngõ nhỏ của xóm Phố Mới, phường Cải Đan (T.P Sông Công). Năm nay ông 68 tuổi, lại là thương binh hạng 2/4 và bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên sức khỏe đã giảm sút nhiều. Từng là cán bộ của Công ty Thương nghiệp Sông Công rồi nghỉ mất sức, căn nhà nhỏ của ông giờ là địa chỉ quen thuộc để các cựu chiến binh gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm chiến đấu năm xưa. Ông Sinh tâm sự: Gần 10 năm trong quân ngũ, chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là được cùng đồng đội vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên những con tàu không số.

 

Năm 1966, ông Nguyễn Trường Sinh lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi, được huấn luyện về vô tuyến điện báo của Bộ Tư lệnh Thông tin. Hai năm sau đó, ông được điều chuyển sang Đoàn 126 của Hải quân. Tại đây, ông được huấn luyện những kỹ năng vô cùng khắt khe của lính đặc công nước. Đó là việc thích ứng với môi trường khắc nghiệt, đủ sức bơi cả chục cây số trên biển, thành thạo trong việc tấn công các mục tiêu... Cuối năm 1969, ông cùng đồng đội nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Tại Cảng K20 (Hải Phòng), ông được đơn vị cung cấp một lý lịch nhằm đảm bảo bí mật là: Nguyễn Trường Sinh, sinh năm 1950, địa chỉ tại số nhà 40, phố Cầu Đất, Hải Phòng, là sinh viên năm 2 ngành Nghiên cứu cá biển. Cùng với đó là thủ tục thăng quân hàm từ binh nhất lên thành hạ sĩ, cùng các chế độ cho gia đình. Chỉ huy đơn vị căn dặn: Nhiệm vụ của đội tàu là vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Sau tổng tiến công và nổi dậy (năm 1968) địch kiểm soát rất gắt gao, tuy nhiên với phương châm “100 bó đuốc mới bắt được một con ếch” thì cũng chấp nhận bởi chiến trường đang rất cần sự chi viện. Mặc dù nguy hiểm nhưng đây là nhiệm vụ rất đỗi tự hào, ai trong đội cũng sẵn sàng tư tưởng “sống để bụng, chết mang theo”.

 

Ông Sinh nhớ lại: Chúng tôi xuất phát cuối năm 1969, đúng thời điểm gió mùa đông bắc thổi mạnh. Mặc dù thuộc đoàn tàu không số nhưng tàu vẫn có số hiệu nội bộ là 41, dài khoảng 35m mang theo gần 100 tấn vũ khí, hai bên mạn tàu có gài thuốc nổ để tự phá hủy nếu bị địch phát hiện. Thủy thủ đoàn gồm 26 người, tôi chưa quen một ai cả, chỉ nhớ có anh Hai là thuyền trưởng, thuyền phó là anh Lãm và Khanh, anh Thớ thợ máy, anh Chiển y tá... Hải trình của đoàn ngược lên phía Bắc, đến vịnh Hạ Long thì dừng để sơn lại vỏ tàu và trang bị các ngư cụ cho giống thuyền đánh cá. Đội tàu đi qua eo biển Hải Nam (Trung Quốc) rồi theo hải phận quốc tế, vòng qua vùng biển của Philipines, Indonesia rồi ngược lên khu vực Cà Mau. Khi chuẩn bị vào tới hải phận của Việt Nam thì tàu bị máy bay địch phát hiện. Từ đó trở đi, lúc nào cũng có máy bay theo dõi và chụp ảnh. Đến chiều tối, thủy thủ đoàn được lệnh vẫn theo kế hoạch tiếp tục hướng về bờ, mọi người chuẩn bị sẵn sàng vũ khí. Đúng lúc tàu bẻ lái thì pháo sáng của địch bắn sáng rực bầu trời, ngay sau đó có hai tàu khu trục của địch cao như tòa nhà áp sát hai bên, phía trước cũng có tàu chặn. Là người dày dạn kinh nghiệm đi biển, Thuyền trưởng Hai lệnh cho anh em đổi hướng ngược lên phía Bắc mà không vào bờ nữa. Tàu khu trục của địch áp tải tàu 41 gần một tuần liên tục về đến vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc mới thôi. Ông Sinh lý giải: Vì đã ngụy trang thành tàu đánh cá, lại đang đi trên hải phận quốc tế nên địch không được kiểm tra, chỉ áp tải để ta không vào được bờ. Chuyến đầu tiên đi trên biển mất hơn 1 tháng nhưng lại thật bại, tôi nhớ nhất là suốt hải trình đó thủy thủ đoàn không hề được tắm vì không có nước.

 

Chuyến đi thứ 2 của tàu 41 xuất phát tháng 4-1970, mang theo gần 100 tấn vũ khí. Sau gần 1 tuần, tàu đã đến gần bờ biển Cà Mau. Thủy thủ đoàn quyết định sẽ cập bến vào buổi tối, khi nước thủy triều dâng. Ông sinh kể: Để vào được bờ, tàu cần có người chỉ dẫn mới đi được đúng luồng, mật mã đón tàu là tín hiệu đèn pin. Thế nhưng bấm mãi mà không thấy tín hiệu trả lời, tàu phải đi men theo bờ biển đến gần sáng. Mọi người đều rất lo lắng vì khi mặt trời lên chắc chắn sẽ bị phát hiện, anh em hội ý anh và đưa ra 2 phương án là liều mình lao vào bờ hoặc sẵn sàng phá hủy tàu có địch. Khi gần sáng, trong lúc mọi người đang thất vọng nhất thì bất ngờ chúng tôi nhận được tín hiệu trả lời từ đất liền và có ghe ra đón. Tàu theo dòng lạch để vào bờ thì lại gặp một tình huống nguy hiểm khác. Đó là một chiếc máy bay của địch ở sân bay Bạc Liêu gần đó đi tuần tra biển, anh em đã vào vị trí sẵn sàng đánh trả với bọn địch. Nhưng do ngụy trang tốt nên máy bay của địch không nhận ra tàu. Mất hơn 1 giờ, tàu 41 mới cập được vào bờ, trực tiếp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa (người mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển) ra đón và biểu dương thủy thủ đoàn. Chúng tôi ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc vì sau một thời gian dài bị gián đoạn, nay đã trực tiếp chuyển được vũ khí cho tiền tuyến miền Nam.

 

Sau chuyến thứ 3 cùng tàu 41 vận chuyển vũ khí vào miền Nam chót lọt, ông Nguyễn Trường Sinh ở lại thành quân giải phóng, làm thông tin điện báo phục vụ trực tiếp cho Đại tá Lê Đức Anh (sau là Chủ tịch nước) tại tiền phương Quân khu 9. Tại đây, ông được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Cần Thơ, góp sức để giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước.

 

Hơn 40 năm đã trôi qua, kỷ niệm những chuyến đi trên con tàu không cố vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim của người lính Nguyễn Trường Sinh. Ông bảo, kể lại câu chuyện trong những năm kháng chiến ác liệt để lớp trẻ biết và trân trọng hơn những hy sinh của thế hệ cha anh, đó cũng là lời nhắn gửi mong được một lần hội ngộ với những đồng đội trên con tàu số 41 năm xưa.