Rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn là một nhiệm vụ trọng tâm, được Bộ Tư pháp xác định trong quá trình trình triển khai thi hành Luật hộ tịch sẽ có hiệu lực thi hành vào 1.1.2016.
Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã đã được quy định từ Nghị định số 83 năm 1998, sau đó là Nghị định số 158 năm 2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quy định này thời gian qua thực hiện chưa nghiêm, hiện vẫn còn đến 30% công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã chưa đáp ứng được tiêu chuẩn do Chính phủ quy định. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
*Nhiều quy định mới
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, các quy định về tiêu chuẩn công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã như có trình độ trung cấp luật trở lên, phải được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, bổ sung quy định phải có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc và được thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ… đã được luật hóa. Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Luật hộ tịch, các ý kiến đều cho rằng quy định này là rất cần thiết, nhằm đảm bảo nâng chất lượng công tác hộ tịch ngay từ cấp cơ sở.
Luật quy định rất cụ thể trách nhiệm, chế tài xử lý đối với công chức Tư pháp-hộ tịch có sai phạm; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã trong việc bố trí công chức tư pháp- hộ tịch không đúng yêu cầu hoặc để xảy ra sai phạm trên địa bàn do buông lỏng quản lý. Việc kiện toàn tổ chức, cán bộ và nâng cấp cơ sở vất chật của tư pháp cấp huyện để nhận chuyển giao các nhiệm vụ đăng ký hộ tịch từ cấp tỉnh, bao gồm cả đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cũng cần được triển khai đồng bộ, khẩn trương để đảm bảo tính thông suốt, thống nhất và hiệu quả của cả hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch phải đảm nhiệm nhiều việc, trong đó có việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Trong khi đó, trên thực tế, tính chất chuyên môn của công tác hộ tịch và các công tác tư pháp khác (văn bản, tuyên truyền pháp luật, hòa giải…) rất khác nhau. Vì thế, công chức tư pháp – hộ tịch không có thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như cập nhật kịp thời những văn bản mới. Đó cũng là nguyên nhân của việc đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch không chuyên nghiệp.
* Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch
Rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn là nhiệm vụ được Bộ Tư pháp xác định rất quan trọng và cần được triển khai, hoàn tất trong giai đoạn chuyển tiếp (2015-2019). Qua rà soát, thống kê, phân loại để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên cả nước và tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm đủ tiêu chuẩn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo Luật.
Bộ Tư pháp đã lên Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch và quán triệt tới các sở tư pháp trong cả nước. Về rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan thực hiện trong năm 2015 và cập nhật trong những năm tiếp theo. Cụ thể: UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương trước ngày 31/7/2015, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả rà soát và đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí đủ công chức Phòng Tư pháp làm công tác hộ tịch, bảo đảm đủ công chức làm công tác hộ tịch khi chuyển giao thẩm quyền theo quy định của Luật.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương, đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015. Bộ Ngoại giao hoàn thành việc rà soát đội ngũ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2015.
Để chuẩn hóa đội ngũ công chức Tư pháp- hộ tịch theo quy định của Luật hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ này. Dự kiến từ nay đến năm 2016 sẽ chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp- hộ tịch và đến trước ngày 01/01/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này. Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phố hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp tập huấn cho viên chức ngoại giao, lãnh sự được phân công làm công tác hộ tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, khẩn trương ban hành kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai thực chất, bài bản, chất lượng Kế hoạch thi hành Luật hộ tịch của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp xã, huyện; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn để bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật; chỉ đạo Sở Tư pháp trong năm 2015 duy trì và thực hiện tốt công tác đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài theo thẩm quyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển giao công tác này cho UBND cấp huyện từ ngày 01/01/2016.
Để đảm đương nhiệm vụ công tác, UBND cấp huyện khẩn trương tổng rà soát, đánh giá đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp xã và các Phòng Tư pháp; đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo Luật. Chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thực hiện đăng ký các việc hộ tịch theo thẩm quyền từ ngày 1/1/2016; có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật hộ tịch trong nhân dân .
Nhằm đảm bảo công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đối với công dân Việt Nam ở người ngoài, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm chỉ đạo các Cơ quan đại diện quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Luật hộ tịch, kịp thời giải quyết các việc hộ tịch của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Có kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ tại các Cơ quan đại diện; rà soát, đánh giá đội ngũ viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch để có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo quy định…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, với những quy định mới của Luật hộ tịch, trong đó có những quy định về cán bộ làm công tác hộ tịch, cùng với sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương, việc thực thi nghiêm chỉnh quy định của Luật sẽ đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.