Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình nhập siêu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn đang ở mức cao. Số liệu công bố trong 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu cả nước ở mức 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu cao với 9,83 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu hơn 6 tỷ USD.
Nhận xét về tình hình nhập siêu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhập siêu tăng khá mạnh sau 3 năm xuất siêu cho thấy nền kinh tế chưa có được sự điều hành thật sự căn cơ, hiệu quả, nên cán cân xuất nhập khẩu lên xuống thiếu sự chắc chắn. Dự báo một nền kinh tế còn dựa chủ yếu vào gia công, lắp ráp như Việt Nam thì trong những tháng cuối năm 2015 và những năm tới tình hình nhập siêu sẽ vẫn còn căng thẳng, thậm chí cao hơn 6 tháng đầu năm.
Để kiểm soát nhập siêu, ổn định nền kinh tế, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc tìm các giải pháp cần thiết để kiểm soát nhập siêu, giảm sức ép cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vậy nhiệm vụ phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2015 và những năm tiếp theo là phải tập trung các giải pháp mạnh để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu. Trước mắt cần phải khôi phục xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, thông qua các chính sách thông thoáng, hiệu quả hơn; tăng cường tìm kiếm, mở rông thị trường xuất khẩu, hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề kiểm soát nhập khẩu cũng phải được tăng cường, giám sát chặt chẽ, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chưa cần thiết; thực hiện tốt việc quản lý về đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh và tái cơ cấu doanh nghiệp. Một vấn đề cũng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo đó là tăng cường mạnh mẽ các biện pháp quản lý, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Khi công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn tới thiếu hụt đầu vào cho sản xuất, vì vậy nhiều loại hàng hoá được đưa vào theo các dự án FDI sẽ rất lớn, cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế nhập siêu.
Chính phủ cũng đã quan tâm đề ra các chính sách để phát triển hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là việc phải bảo đảm tự chủ được nguyên liệu một số mặt hàng chính như: dệt may, giày da, máy móc thiết bị … Về lâu dài cần tránh việc phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu. Hiện nay thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, trong đó chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công, chế biến. Vì vậy tạo lập một thị trường nhập khẩu đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau như từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc … sẽ tạo sự chủ động trong lựa chọn thiết bị, công nghệ và hạn chế sức ép từ một thị trường nhập khẩu nhất định.
Theo Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 165 tỷ USD, 6 tháng cuối năm xuất khẩu cả nước phải đạt 87,3 tỷ USD trở lên (bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt 14,55 tỷ USD), cao hơn mức 77,75 tỷ USD (bình quân mỗi tháng 12,95 tỷ USD) của 6 tháng đầu năm. Đây được xem là một áp lực lớn, khó khăn không nhỏ mà nền kinh tế đất nước phải vượt qua.