Phát triển du lịch

14:35, 08/07/2015

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên kết vùng và xã hội hóa cao; tạo động lực tích cực trong quá trình tái cơ cấu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng triệu lao động.

Vì vậy, phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là việc làm có ý nghĩa thiết thực, là đòi hỏi cấp bách trước mắt và lâu dài.

 

Những năm gần đây, do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, trong đó có du lịch. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch cũng rất "khiêm tốn"; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thủ tục xin cấp visa còn rườm rà… Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014 (trong đó, khách đường không chiếm 82% và giảm 0,8%, khách đường biển chiếm 0,8% và giảm 34,4%, khách đường bộ giảm 23,1%). Ðó là tin không vui cho du lịch nước ta.

 

Thái Nguyên là cửa ngõ nối liền khu Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, được xác định là trung tâm của các tỉnh vùng Đông Bắc. Nơi đây có lợi thế về du lịch giáo dục truyền thống kết hợp với du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh. Tiềm năng và thế mạnh của du lịch Thái Nguyên rất phong phú và đa dạng. Chúng ta có Chiến khu Việt Bắc - ATK Định Hóa, căn cứ địa cách mạng năm xưa gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu; khu di tích lịch sử các liệt sĩ thanh niên xung phong tại Gia Sàng Thành phố Thái Nguyên; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; khu di tích khảo cổ học mái đá Ngườm Thần Sa ở Võ Nhai; khu di tích Núi Văn, Núi Võ ở Đại Từ; khu du lịch sinh thái Thái Hải, vùng chè đặc sản Tân Cương thuộc Thành phố Thái Nguyên; nhiều danh lam thắng cảnh như: Hồ Núi Cốc, Chùa Hang, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ gà, Động Linh Sơn, Đền Đuổm, Hồ Vai Miếu, thác Khuôn Tát...

 

 Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhờ sự ổn định chính trị và kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; người dân thân thiện và cởi mở; giá cả hàng hóa và dịch vụ thấp; sở hữu cảnh sắc thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, bờ biển dài và nhiều hang động hấp dẫn, với "bộ sưu tập" di sản thế giới đặc sắc, gồm 8 di sản thế giới và 12 di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nhiều hơn tổng số di sản của ba nước dẫn đầu du lịch ASEAN là Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po.

Chúng ta đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch như đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng; xây dựng, trùng tu các di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh cũng đang tập trung triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, qua đó tăng cường thu hút du khách đến với Thái Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành Du lịch đã chỉ đạo xây dựng được một số mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng, là cơ hội mới cho các hộ dân làm kinh tế theo mô hình kết hợp kinh tế với văn hóa, lấy văn hóa du lịch làm nền tảng cho phát triển kinh tế nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Đặc biệt, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có mỏ đa kim Núi Pháo là mỏ lộ thiên có trữ lượng Vonfram lớn nhất thế giới đang được khai thác; Việt Nam được tập đoàn Samsung - Tập đoàn đẳng cấp thế giới lựa chọn để đầu tư xây dựng "cứ điểm" sản xuất với quy mô lớn nhất toàn cầu, mà Thái Nguyên là một mắt xích quan trọng. Những công trình trọng điểm đó rất cần có quy hoạch đưa vào các tua du lịch để phục vụ du khách, đồng thời tranh thủ quảng bá về phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Song, sự liên kết giữa các ngành, các địa phương trong du lịch vẫn còn lỏng lẻo, chúng ta vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, sản phẩm du lịch còn hạn chế.

 

Du lịch chỉ phát triển mạnh mẽ và bền vững bởi những hợp lực mới, có được từ sự thống nhất nhận thức, chỉ đạo và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp, các ngành liên quan; sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, hệ thống dịch vụ; mức độ bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và cải thiện chất lượng dịch vụ, hình thức khuyến mại và hỗ trợ du khách; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; xã hội hóa các hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cả về chuyên môn và ngoại ngữ, thái độ ứng xử văn minh, lòng tự tôn dân tộc; đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị sản phẩm du lịch...

 

Để thu hút được khách du lịch đến Việt Nam, lựa chọn Thái Nguyên làm điểm đến, có lẽ trước hết ngành du lịch cần mổ xẻ tất cả các vấn đề tồn đọng, cân nhắc đưa vấn đề du lịch của tỉnh vào nghị quyết của Đảng bộ nhiệm kỳ tới để phấn đấu thực hiện. Ngành du lịch cần nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp tích cực, hiệu quả; quan tâm phát triển thêm những sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ với giá cả cạnh tranh. Đồng thời, ngành cũng cần phối hợp với các ban ngành liên quan để có giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất những hình ảnh chưa đẹp trong du lịch như: Tình trạng chặt chém khách du lịch, nạn trộm cắp, móc túi ở các địa điểm tham quan, vui chơi... Và có lẽ, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải làm quyết liệt hơn nhiệm vụ xúc tiến du lịch thì mới có hy vọng Thái Nguyên trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu của du lịch Việt Nam cũng như du lịch khu vực và thế giới.

 

Vài suy ngẫm xin được chia sẻ với những người làm du lịch của tỉnh, với mong muốn du lịch Thái Nguyên sẽ phát triển bền vững, Thái Nguyên sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.