Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều khó khăn

09:55, 08/07/2015

Theo đánh giá chung, kinh tế đất nước trong 6 tháng đầu năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,28%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; chỉ số giá tiêu dùng đạt thấp nhất trong nhiều năm qua; tình hình tài chính, tiền tệ khá ổn định, lạm phát giảm; nhiều doanh nghiệp đã dần thoát khỏi khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất …

Tuy nhiên dự báo tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức. Theo nhận định của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thì nửa cuối năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn chủ yếu là: Vấn đề nhập siêu ở mức cao. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước khoảng 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu tăng do xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới 9,83 tỷ USD.

 

Khó khăn tiếp theo cũng rất đáng chú ý đó là thu ngân sách tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thu ngân sách tăng chậm đã được xác định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do giá dầu thô biến động; xuất nhập khẩu có khó khăn, chỉ tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2014.

 

Về các hoạt động thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản trong 6 tháng cuối năm cũng dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tăng trưởng chậm lại. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thuỷ sản dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân...

 

Từ những khó khăn thách thức trên, theo nhiều chuyên gia thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 thấng cuối năm rất có thể sẽ diễn ra theo các chiều hướng sau: Hướng mong muốn là những thuận lợi trong 6 tháng đầu năm tiếp tục được duy trì, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức trên 6%, lạm phát tiếp tục được đẩy lùi, kinh tế vĩ mô ổn định và tốt lên, thị trường vốn hoạt động tốt, thị trường bất động sản khởi sắc …. Tuy nhiên điều này sẽ khó sảy ra. Với những nhận định nêu trên thì dự báo nền kinh tế 6 tháng cuối năm của nước ta sẽ theo hướng gặp cả những thuận lợi và khó khăn đan xen. Khi đó những giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương là rất cần thiết và quan trọng để các hoạt động của nền kinh tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, trong đó phải tập trung thực hiện tốt vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, huy động các nguồn lực trong đầu tư phất triển để giữ mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%. Đây là hướng kinh tế 6 tháng cuối năm dễ sẩy ra nhất và cũng được xem là một thắng lợi. Tuy nhiên, cũng không ít các ý kiên cho rằng: nếu kinh tế thế giới  những biến động bất thường, nhất là các nền kinh tế lớn sẽ là những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam. Như vậy các hoạt động kinh tế sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn nữa, và rất có thể các chỉ tiêu đề ra sẽ thấp hơn dự báo.