Tạo cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

15:42, 03/07/2015

Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” đã diễn ra vào sáng 3/7. Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 61 chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.  

Đánh giá của Ban chỉ đạo cho thấy, 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân đã làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung Kết luận 61-KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” và Quyết định 673/QĐ-TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, cũng như quan điểm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Theo Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết, công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn nhưng Chính phủ, các B ộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm bố trí mặt bằng đầu tư xây dựng các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp thực hiện các chương trình mục tiêu . K ý kết các chương trình phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp; tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 

Đây là những nguồn lực to lớn, là điều kiện, phương tiện để các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân tích cực tham gia. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đã khẳng định vai trò chủ thể của nông dân. Các chỉ tiêu về thu nhập của cư dân nông thôn; hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; dịch vụ về vốn; xây mô hình kinh tế tập thể; dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân; kết nạp hội viên và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ bản đạt so với mục tiêu của Đề án 61 đề ra.

 

Tham luận của các đại biểu đều thấy Đề án và Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi nhanh vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân; nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, thực sự là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đoàn kết trong nông dân và tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng qua thực tế 5 năm thực hiện, Kết luận 61-KL/TW được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện ở tất cả các cấp Trung ương và địa phương. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai rất thiết thực, đạt được những kết quả cụ thể, g óp phần góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, được người dân chủ động tự nguyện tham gia. Người dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vị thế, vai trò của Hội Nông dân là trung tâm nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới được khẳng định.

 

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động triển khai Kết luận, ban hành Quyết định 673/QĐ-TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, tạo hành lang pháp lý cho các cấp Hội thực hiện. Các chính sách được ban hành toàn diện, ngoài chính sách hỗ trợ đất trồng lúa, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, người nghèo về nhà ở đất, sản xuất… Chính phủ đã có các chính sách tín dụng, huy động nguồn lực của nhà nước và xã hội vào triển khai.

 

Hiện ngân sách đã đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tăng 2,6 lần, vượt kế hoạch đề ra; tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khá cao so với mức bình quân, dư nợ chiếm tỷ trọng từ 20% – 22%, lãi suất được ưu đãi thấp hơn từ 1% - 1,5% so với lãi suất thông thường... Những chính sách trên đã mang lại kết quả thực sự cho người dân. Người dân là chủ thể thực hiện và cũng là người hưởng lợi từ chính sách. Đến nay, cả nước có gần 20 nghìn trang trại tổ chức sản xuất theo mô hình mới, nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 864 xã đạt xấp xỉ 10% số xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước hiện nay đạt xấp xỉ 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập người dân nông thôn tăng hơn 2 lần.

 

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả 5 năm qua, biểu dương các Bộ, ban, ngành đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân triển khai Kết luận 61 – KL/TW, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các Bộ, ngành, cơ quan quan tâm thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg, Thông báo 166/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam. Tán thành với các nhiệm vụ đề ra trong 5 năm tới, Phó Thủ tướng mong muốn Ban chỉ đạo Đề án 61 tập trung đào tạo, giáo dục cho nông dân để họ thực sự trở thành người nông dân kiểu mới, có trình độ, năng lực tổ chức sản xuất theo mô hình nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giáo dục con cháu không cam chịu đói nghèo, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh làm ăn cá thể, nhỏ lẻ sẽ không cạnh tranh được. Vai trò kinh tế hộ vẫn rất quan trọng nhưng phải trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác với nhau để bảo vệ lợi ích của chính mình. Cùng với đó phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành hợp tác xã kiểu mới để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo ra liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp mới có thể bền vững. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến kiến nghị của các đại biểu, khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực để thực thi các chính sách đã ban hành, tìm thêm nguồn lực vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia./.