Thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền

14:48, 02/07/2015

Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế, văn hoá giữa các vùng miền, nhất là đối với vùng khó khăn như: miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là một chủ trương lớn, luôn được quan tâm của Đảng và Nhà nước ta.

Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương trên, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Đây là giải pháp thiết thực nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

   

Theo Báo Điện tử Chính phủ, Chương trình được thực hiện trên phạm vi địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Mục tiêu mà chương trình đề ra rất cụ thể gồm: đạt mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 là khoảng từ 10% - 12%. Nội dung của Chương trình tập trung vào phát triển thương nhân, các loại hình hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp do chính cư dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo quản lý và điều hành; tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ, liên kết bạn hàng giữa các thương nhân miền múi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các thương nhân trong và ngoài nước. Chương trình cũng khuyến khích phát triển các mặt hàng thuộc lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; khuyến khích đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hoá thuộc lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá là lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống phân phối tiêu thụ nội địa; khuyến khích các mặt hàng lợi thế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận và tiêu thụ tại thị trường nước ngoài.

  

Chương trình tập trung xây dựng hệ thống kho bãi, gia công, chế biến, bao bì đóng gói, nhãn mác, giao nhận, vận chuyển, tài chính, ngân hàng, xây dựng hệ thông kho hàng tại hải đảo, xây dựng các điểm phân phối tổng hợp tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Chương trình cũng sẽ có các chính sách để xây dựng và phát triển hệ thống chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các hoạt động của hệ thống các chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng hạ tầng chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ nguồn ngân sách Trung ương; khuyến khích các địa phương kêu gọi hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từ các nguồn kinh phí của các tổ chức, đơn vị hợp tác khác…

 

Tỉnh ta cũng là một tỉnh miền núi, có một số huyện thuộc diện miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng các chính sách ưu đĩa của Chương trình. Đây là một cơ hội mà các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta cần nhanh chóng nắm bắt để tạo cơ hội phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.