Thúc đẩy phát triển du lịch: Giải quyết bất cập để thu hút du khách các nước Tây Âu

14:38, 21/07/2015

Chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha được đánh giá là cơ hội tốt cho ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng phát triển. Tuy vậy, khi niềm vui vừa đến, các doanh nghiệp du lịch lại đối mặt với những lo ngại, bởi chính sách miễn thị thực chỉ giới hạn thời hạn tạm trú 15 ngày và áp dụng trong vòng 1 năm.

* Giải pháp ngắn hạn, chưa phù hợp

 

Theo các doanh nghiệp lữ hành, khách châu Âu khi đi du lịch Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài ngày, 20 ngày trở lên và chọn những tour liên quốc gia. Sau khi đến Việt Nam , họ thường đi cả Lào, Campuchia và quay lại Việt Nam để đáp máy bay về nước (vé khứ hồi Việt Nam ). Do vậy, khi đến Việt Nam lần đầu có thể khách được áp dụng chính sách miễn thị thực, nhưng khi nhập cảnh trở lại Việt Nam để trở về nước, khách bắt buộc phải làm thị thực tại cửa khẩu. Đối với những trường hợp này, chính sách miễn thị thực không còn ý nghĩa đối với cả khách và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

 

Trong trường hợp muốn được miễn thị thực, khách buộc phải đổi hành trình tour, hoặc là xuất cảnh trước thời gian theo chương trình dự kiến đến Việt Nam , hoặc là đổi vé máy bay sang nước khác để quay về nước. Trong cả hai trường hợp này, khách đều phát sinh chi phí cho chuyến đi, thậm chí cắt ngắn chương trình tour ở Việt Nam . Giải pháp được các doanh nghiệp du lịch đang tính đến là sẽ cắt giảm tour cho khách để thụ hưởng trọn vẹn lợi ích từ chính sách miễn thị thực. Vô hình trung, nguồn thu của ngành du lịch cũng bị giảm theo. Vì vậy, việc miễn thị thực trong thời gian 15 ngày tạm trú và chỉ được miễn một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày xuất cảnh đã nảy sinh một số bất cập. Hiện nay, không ít doanh nghiệp tại Hà Nội đang băn khoăn, lúng túng trong việc lựa chọn phương án đảm bảo quyền lợi tối ưu cho khách.

 

Là doanh nghiệp du lịch thường xuyên đón khách tại thị trường Tây Âu, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Việt – Ý cho rằng: “Trong thời gian đầu thực hiện chính sách miễn thị thực, du khách gặp một số lúng túng nhất định. Đối với những khách du lịch đã tiến hành các thủ tục xin thị thực từ trước, khi nhập cảnh mang theo công văn vẫn phải trả lệ phí thị thực, trong khi những khách mới, sau ngày áp dụng thì không phải trả. Như vậy, cùng đến du lịch dưới 15 ngày nhưng có khách trả phí, có khách không phải trả”.

 

Một mặt, việc áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu thực hiện trong vòng một năm sẽ là thách thức đối với ngành du lịch. Bởi, để chính sách đến được với khách du lịch thị trường Tây Âu một cách rộng rãi cũng phải mất nhiều tháng, thậm chí mất cả năm trời thông qua công tác xúc tiến, quảng bá. Hơn nữa, trong lịch trình du lịch, khách phải có kế hoạch, đặt tour trước từ 3 – 6 tháng. Đến khi họ sang Việt Nam du lịch thì thời hạn còn hiệu lực của chính sách miễn thị thực rất ngắn hoặc không còn. Như vậy, chính sách miễn thị thực không phát huy nhiều hiệu quả.

 

Theo Công ty du lịch Vietravel, việc miễn thị thực chỉ có thời hạn trong vòng một năm là tương đối ngắn, vì tính chất của việc quảng bá, xúc tiến thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu khác hẳn với Việt Nam. Các công ty lữ hành cần có thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để triển khai công tác quảng bá cũng như để du khách quen với chính sách mới. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chia sẻ: Việc miễn thị thực cho một số quốc gia là điều cần thiết, nhưng giải pháp này là ngắn hạn, chưa phù hợp với thực tế hoạt động du lịch. Trong khi đó, đã kinh doanh là phải tính lâu dài và phải nhận diện rõ thị trường.

 

* Cần giải quyết bất cập để tranh thủ cơ hội

 

5 nước Tây Âu: Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha là những thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam, trong đó Anh và Pháp nằm trong top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu. Do đó, việc miễn thị thực cho các thị trường khách trên sẽ giảm bớt rào cản về thủ tục và chi phí, tác động tích cực đến việc thu hút du khách. Tuy nhiên, để tranh thủ tốt cơ hội này, các doanh nghiệp lữ hành mong muốn, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan có sự cởi mở hơn trong việc áp dụng miễn thị thực. Cụ thể, cần áp dụng thời gian miễn thị thực dài hơn để chính sách có tác động tốt đến thị trường khách và tạo sự bền vững trong phát triển du lịch.

 

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội: “Để chính sách miễn thị thực hấp dẫn hơn và kéo dài thời gian lưu trú của du khách từ 5 nước Tây Âu tới Việt Nam, cơ quan chức năng cần kéo dài thời gian miễn thị thực tối đa lên đến 30 ngày và cho phép khách nhập cảnh trở lại Việt Nam trong thời hạn miễn thị thực tối thiểu 1 lần”.

 

Ý kiến của vị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng chính là mong muốn của tất cả doanh nghiệp đón khách quốc tế từ thị trường 5 nước Tây Âu. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho áp dụng thử nghiệm miễn thị thực 1 năm tiến tới miễn hoàn toàn thị thực cho khách du lịch, việc này đã áp dụng ở Thái Lan, Singapore.

 

“Nên chăng, khi các cơ quan chức năng ban hành chính sách cần thông báo, tuyên truyền rộng rãi và có văn bản hướng dẫn cụ thể về những chính sách mới trước khi thực hiện để các doanh nghiệp có đủ thời gian nắm bắt và thông tin đầy đủ tới khách hàng”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Việt – Ý đề nghị .

 

Song song với đề xuất nới thêm thời hạn miễn thị thực, việc thu hút khách tại thị trường 5 nước Tây Âu cần gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tour du lịch. Ngành du lịch cần tạo ra những sản phẩm hợp thị hiếu của khách du lịch 5 nước Tây Âu, cải thiện dịch vụ và môi trường du lịch tại các điểm đến; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, lữ hành tham gia các chương trình khuyến mại trên cơ sở chương trình hành động quốc gia. Có nền tảng tốt nhưng cũng cần có hành động tốt thì chính sách miễn thị thực mới phát huy hiệu quả./.